Phát triển du lịch cộng đồng, thách thức của nhiều địa phương

Du lịch cộng đồng đang ngày càng sôi động và thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương. Loại hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, xã hội mà còn giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững vẫn đang là thách thức với nhiều địa phương.

Nhiều mô hình thành công, nhưng nhiều mô hình còn thiếu chuyên nghiệp

Du lịch Hà Giang là điểm đến mong đợi của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là sản phẩm du lịch cộng đồng. Dựa trên nền tảng bản làng các dân tộc còn nguyên sơ, với kiến trúc truyền thống độc đáo, gần gũi với thiên nhiên của cộng đồng người bản địa, Hà Giang đã chú ý đến phát triển du lịch cộng đồng và lựa chọn đây là sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, ông Nguyễn Hồng Hải, Hà Giang hiện có 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng, gồm làng văn hóa dân tộc Tày, Mông, Lô Lô, Nùng, Dao, Pố Y, Pà Thẻn... Trong đó, 1 làng được xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN (Nặm Đăm), 1 làng xây dựng theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao (Nậm Hồng), 1 làng xây dựng mới theo mô hình kiểu mẫu (Pả Vi). Các làng khác được xây dựng dựa theo tiêu chí chung của tỉnh. Một số làng dựa trên lợi thế về dược liệu, một số làng xây dựng gắn với nông thôn mới kiểu mẫu...

Trong 5 năm trở lại đây, các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Hà Giang đã được kết nối trong tour tuyến bán phục vụ cho du khách. Thông qua đó, người dân đã bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng như: Giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông, lâm sản, nghề truyền thống...

Sản phẩm thủ công truyền thống – yếu tố hấp dẫn du khách đến Sa Pa.

Sản phẩm thủ công truyền thống – yếu tố hấp dẫn du khách đến Sa Pa.

Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đã được công nhận và một số điểm du lịch đã được hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ chức để quản lý.

Trung bình hàng năm, Thừa Thiên - Huế đón được khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch cộng đồng. Doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch cộng đồng ước đạt 100 tỷ đồng/năm. Nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch cộng đồng của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Sản phẩm du lịch cộng đồng ở Thừa Thiên -Huế vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững.

Các làng du lịch văn hóa cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên…

Hỗ trợ để phát triển du lịch bài bản, bền vững

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh hiệu quả trực tiếp là doanh thu và mang tới nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch cộng đồng đang góp phần làm giảm áp lực quá tải tại những trung tâm du lịch tại các thành phố lớn.

Ở Hòa Bình, điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng là bản Lác (huyện Mai Châu) được khai thác từ hàng chục năm nay và từng bước trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Ngoài cảnh quan thiên nhiên, giá trị du lịch của bản Lác còn ở bản sắc văn hóa truyền thống của 121 hộ đồng bào dân tộc Thái đã cư trú ở đây hàng trăm năm. Từ du lịch và nhờ du lịch, hết năm 2019, thu nhập bình quân của người dân bản Lác đã đạt 27 triệu đồng/người/năm. Có nhiều gia đình chuyên hoạt động du lịch còn có doanh thu trên dưới 300 triệu đồng/năm…

Ở Quảng Ninh, du lịch cộng đồng đã đưa đảo Quan Lạn trở thành một trong những điểm đến biển đảo yêu thích được du khách lựa chọn. Ở Quảng Nam, các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn đã được triển khai hiệu quả như: Chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông như ở Làng rau Trà Quế, Làng rau Thanh Đông, Làng gốm Thanh Hà, Làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An)… Tuy nhiên, du lịch cộng đồng hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn, nhất là trong công tác liên kết thúc đẩy hỗ trợ phát triển loại hình này tại các địa phương.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Du lịch về xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch cộng đồng đều được phát triển thành công.

Nhiều điểm du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt qua các dự án từ trong và ngoài nước nhưng sau khi kết thúc dự án thì hoạt động du lịch lại không tiếp tục được duy trì tại đây do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…

Hiện tại, Việt Nam chưa cho ra quy chuẩn chính xác cho mô hình du lịch cộng đồng. Vì thế, loại hình du lịch này vẫn phát triển ồ ạt, không có hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến kinh tế, đến niềm tin vào du lịch cộng đồng. Giải pháp là cần xây dựng một chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cũng như công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/phat-trien-du-lich-cong-dong-thach-thuc-cua-nhieu-dia-phuong-624366/