Phát triển dự án năng lượng tái tạo: Để nhà đầu tư yên tâm rót vốn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án đấu thầu để chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo(NLTT). Đây được đánh giá là cơ chế cạnh tranh, công bằng, minh bạch, giúp nhà đầu tư yên tâm khi rót vốn vào các dự án NLTT.

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án NLTT. Tính đến hết tháng 9/2020, tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485 MW, điện mặt trời đạt 5.829 MW, điện sinh khối đạt 169 MW, chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 14/10/2020 đã có trên 57 nghìn hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747 MWp…

Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án NLTT

Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án NLTT

Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) - cho biết: Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để phát triển NLTT mạnh mẽ, bền vững cần tập trung vào chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Trong đó, về chính sách, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất. “Thực hiện cơ chế này tuy mất nhiều thời gian, nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải” - ông Đỗ Đức Quân nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - chia sẻ: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang hỗ trợ Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời. WB đề xuất hai phương án mới triển khai dự án điện mặt trời: “Đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp” và “đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời”.

Trong đó, nguyên tắc của đấu thầu theo trạm biến áp là sẽ đấu thầu một lượng công suất cố định, theo một lịch trình được đặt sẵn và ở một khu vực đã được xác định. Đấu thầu cạnh tranh theo công viên năng lượng mặt trời triển khai theo cách sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường dây tải điện…). Các nhà đầu tư sẽ đấu thầu để được quyền xây dựng các nhà máy điện trên mảnh đất được giải phóng và các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng.

“Bộ Công Thương đang nghiên cứu các đề xuất này, xem xét sự phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định pháp lý, khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam... để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định” - ông Nguyễn Văn Vy cho hay.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam - khẳng định: Các kết quả đạt được từ thực tế của nhiều nước trên thế giới đã chứng minh, đấu thầu có nhiều ưu điểm vượt trội như công khai, minh bạch… góp phần quan trọng bảo đảm khả năng thành công cao của các dự án đầu tư. “Với cơ chế này, nhà đầu tư sẽ yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển các dự án NLTT ở Việt Nam” - ông Hiến đánh giá.

Để cơ chế đấu thầu triển khai hiệu quả, ông Nguyễn Văn Vy đề xuất: Trên cơ sở chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, cần tiến hành cân bằng công suất - điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời và điện gió cần xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025 để lập kế hoạch đấu thầu cho phát triển các dự án NLTT trong giai đoạn này. Việc cân đối được tiến hành theo các vùng miền để xác định công suất cần đưa vào trong từng năm của mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, nhằm tránh quá tải cho lưới điện truyền tải, các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một, hoặc một vài địa điểm.

“Trên cơ sở công suất nguồn điện mặt trời cần đưa vào hàng năm, tổ chức việc đấu thầu để lựa chọn các dự án. Việc lựa chọn được thực hiện trên cơ sở giá chào của các nhà đầu tư, các dự án có giá chào thấp được xếp trước, cho đến khi đủ công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong năm đó của các vùng, miền và toàn quốc” - ông Nguyễn Văn Vy nói, đồng thời bày tỏ, theo khuyến nghị của các chuyên gia tư vấn, để có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp, nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua-bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...

Theo kế hoạch, tháng 11/2020, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Quy hoạch tổng thể về Năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất xây dựng cơ chế đấu thầu NLTT, đặc biệt, đề ra các tiêu chí đấu thầu cạnh tranh riêng cho từng loại công nghệ NLTT.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-du-an-nang-luong-tai-tao-de-nha-dau-tu-yen-tam-rot-von-147601.html