Phát triển đội tàu pha sông biển (Kỳ II): Có phá vỡ quy hoạch?

Theo đánh giá của Cục Hàng hải, việc phát triển phương tiện VR-SB đã vượt quá quy hoạch. Với việc gia tăng phương tiện nhanh chóng đã dẫn đến số vụ tai nạn gia tăng theo từng năm.

Tính đến cuối tháng 5/2019, tổng số đội tàu VR-SB là 1.786 chiếc, con số này tăng gấp 6 lần so với cuối năm 2015. Mặc dù được đánh giá là chưa đến mức khủng hoảng thừa nhưng có dấu hiệu bộc lộ sự mất cân đối trong từng loại phương tiện.

Tàu chở 3000 tấn tôn bị chìm trên vùng biển Ninh Thuận do đang đi bị thủng vỏ (Ảnh: Hạ Liên)

Tàu chở 3000 tấn tôn bị chìm trên vùng biển Ninh Thuận do đang đi bị thủng vỏ (Ảnh: Hạ Liên)

Tàu sông nhưng không ở sông

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên trục Bắc - Nam để loại hình này phát triển, dư lượng còn khá nhiều (khoảng 100 triệu tấn/năm). Kết nối liên vùng còn nhiều (than, quặng sắt, phân bón phải chở bằng tàu VR-SB, hàng container 2 vùng miền còn nhiều). Cái lo dư thừa tàu chưa đến mức nhưng có thể phân bổ các loại phương tiện chưa phù hợp như chở hàng rời, container, tàu tập trung vào 1 mặt hàng thì chưa phân bổ hợp lý. Vì thế, cần có thống kê cập nhật, đánh giá số liệu liên tục liên thông dữ liệu, dự báo luân chuyển Bắc - Nam bao nhiêu triệu tấn, phương thức vận tải vận chuyển ra sao và nhìn vào biểu đồ đó để doanh nghiệp cân đối đóng đội tàu.

Một nghịch lý trong phát triển đội tàu pha sông biển là việc xuất hiện những gam tàu cỡ lớn, khoảng 20.000 tấn. Những tàu này dù cấp đăng ký SB nhưng khó có thể hoạt động trên các tuyến thủy nội địa do quá khổ, độ sâu luồng, năng lực tiếp nhận cảng thủy nội địa. Thống kê của Cục Ðăng kiểm Việt Nam, đội tàu SB có 9 chiếc trọng tải hơn 20.000 tấn, lớn nhất tới gần 24.000 tấn; 7 chiếc từ 10 đến dưới 20.000 tấn,… Hơn nữa, có khoảng 100 phương tiện là tàu biển được hạ cấp kỹ thuật xuống thành tàu SB hoặc từ tàu sông nâng cấp lên tàu SB.

Cơ quan chức năng nhà nước cần quy hoạch lại và quản lý theo quy hoạch tàu SB nhằm hạn chế sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Theo Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu, quy hoạch phát triển đội tàu thủy nội địa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ, chỉ ưu tiên phát triển tàu SB trọng tải đến 5.000 tấn, nhưng thực tế có nhiều tàu đóng mới đạt hơn 20 nghìn tấn. Hiện nay, chưa có cảng thủy nội địa nào đáp ứng được cỡ tàu này, cho nên tàu SB cỡ lớn chỉ ra vào cảng biển để làm hàng, trực tiếp cạnh tranh với đội tàu biển nội địa. Ðiều này ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đội tàu vận tải biển nội địa, cũng như ngành công nghiệp đóng tàu, đào tạo thuyền viên. Việc doanh nghiệp đóng tàu SB cỡ lớn tham gia tuyến vận tải ven biển để hưởng lợi thế so với tàu biển phần nào phản ánh sự "lợi dụng chính sách".

Nguy cơ tai nạn hàng hải

Với việc gia tăng đội tàu VR-SB đã dẫn đến số vụ tai nạn gia tăng theo từng năm. Từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, đặc biệt phương tiện tự chìm khi đang vận hành trên biển là rất đáng quan ngại. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 3 vụ tai nạn liên quan đến tàu VR-SB. Cụ thể, ngày 16/2, tàu Phương Nam 88 (Hạn chế 3) đâm va với phương tiện NĐ-1905 (VR-SB) làm phương tiện VR-SB bị chìm cùng 910 tấn đất phụ gia xi măng. Đến ngày 24/4, tàu VR-SB Hà Phương 189 (số hiệu HP-4102) bị chìm cùng 1.900 tấn xi măng. Mới đây nhất, ngày 9/5, chiếc tàu VR-SB Phương Nam 09 số hiệu NB-6516 đã bị chìm cùng 1.400 tấn clinker trong quá trình di chuyển,…

Theo quy định về vùng hoạt động, phương tiện VR-SB được cho phép hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý nhưng thực tế đa số các phương tiện lớn thường chạy cắt thẳng Vịnh Bắc Bộ (cách bờ khoảng 100 hải lý).

Mặt khác, công tác quản lý, giám sát hoạt động của đội tàu VR-SB còn khá lỏng lẻo. Ông Vũ Ðức Then - Phó Chủ tịch Hội vận tải biển Diêm Ðiền (Thái Bình) cho biết, thời gian qua có xảy ra tình trạng là không ít tàu SB đăng ký một đằng, hoạt động một nẻo, đăng ký tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình nhưng chạy cả tới TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Thực tế, cấu trúc kĩ thuật, định biên thuyền viên của tàu VR-SB thấp hơn rất nhiều so với tàu biển. Về bản chất chỉ đủ điều kiện chạy hành trình ngắn trên biển, tuy vậy thời gian qua, hầu hết các tàu VR-SB đều chủ yếu hoạt động dài ngày trên biển. Đặc biệt từ khi loại hình này được thông tuyến từ Quảng Ninh vào Sài Gòn, thời gian hành hải loại phương tiện này kéo dài cả tháng, điều đó khiến tai nạn liên quan đến tàu VR-SB gia tăng.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, do phát triển nóng nên các quy định pháp luật về thuyền viên, trang thiết bị thông tin liên lạc, kết cấu… của phương tiện VR-SB vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện rất cao, đặc biệt khi hoạt động trên biển.

“Để đảm bảo an toàn, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét để không tiếp tục cho đăng kiểm, đăng ký đối với phương tiện VR-SB có trọng tải toàn phần từ 5.000 tấn trở lên nếu không đáp ứng các quy định về an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tương đương với tàu biển mang cấp hạn chế 3 trở lên” – ông Thu cho biết.

Trung Thành

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/phat-trien-doi-tau-pha-song-bien-ky-ii-co-pha-vo-quy-hoach-154760.html