Phát triển đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh mới

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Để đạt được mục tiêu này, cần chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

4 nội dung quan trọng phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam những năm qua thể hiện ở các nội dung sau:

Một là, đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, DN góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Hai là, trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Ba là, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, với số lượng lên tới hàng triệu người và chất lượng được nâng cao, đội ngũ doanh nhân nước ta đã hình thành một tầng lớp xã hội mới. Theo đó, đội ngũ doanh nhân nước ta tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm…

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển mới cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Đồng thời, cần xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn.

Ðổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Xây dựng quy chế và hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng DN, doanh nhân, bảo đảm hiệu quả thiết thực…

Phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân, hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội DN; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Ðảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội.

Cùng với các giải pháp trên, xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân; thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Ðảng bằng các chương trình hành động cụ thể; tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Hà Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-doi-ngu-doanh-nhan-trong-boi-canh-moi-314413.html