Phát triển doanh nghiệp công nghệ: Lựa chọn đầu tư tập trung

Nhiều doanh nghiệp công nghệ châu Á trong thời gian ngắn đã đóng góp lớn cho nền kinh tế, đưa đất nước lên bản đồ công nghệ thế giới. Để làm được điều đó, một số quốc gia lựa chọn đầu tư tập trung.

Việt Nam cần tập trung đầu tư cho những ngành mũi nhọn.

Việt Nam cần tập trung đầu tư cho những ngành mũi nhọn.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có giá trị trên tỷ USD ở châu Á mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều nay đặt ra yêu cầu cho các quốc gia là cần có chính sách phù hợp hơn.

Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), có gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới là có 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó, đi ra nước ngoài.

Đồng quan điểm, Giáo sư Yongrak Choi - Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết hiện nay ở Hàn Quốc, phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông (CTC) là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Để có được thành công như ngày hôm nay, Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động... Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain...

Hàn Quốc đã xác định các chương trình R&D là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh...

CEO của BKAV ông Nguyễn Tử Quảng cũng cho rằng chính phủ cần đầu tư cho một số doanh nghiệp mũi nhọn chỉ cần 5 doanh nghiệp về mũi nhọn “Bài học từ Hàn Quốc sẽ thấy chỉ có một vài doanh nghiệp công nghệ như Samsung, LG đã tạo nên một thương hiệu lớn cho Hàn Quốc và đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta thực hiện lại điều đó trong một ngữ cảnh mới” – CEO BKAV nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng kiến nghị rằng cần hội tụ những doanh nghiệp ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung. Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho những "cụm doanh nghiệp" này.

Các nhân tố cần cải thiện hơn để thúc đẩy đổi doanh nghiệp phát triển là nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới, thị trường, bối cảnh, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý hỗ trợ. Trong đó ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh về khâu đào tạo nguồn lực chất lượng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Giáo sư Yongrak Choi cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...

Các chính sách chính gồm: kết hợp quy hoạch CNTT dài hạn, ưu đãi tài chính, phát triển các chương trình R&D quốc gia...Việt Nam cần tích hợp Khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển Khoa học công nghệ. Giáo sư nhấn mạnh việc đầu tư mạnh tay cho R&D; phát triển nguồn nhân lực và cho rằng quyết tâm là một trong những yếu tố góp phần thành công cho sự phát triển này. "Chúng ta cần xác định động lực là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp", ông nói.

Hai là khuyến nghị chính sách quan điểm về kinh tế và công nghiệp. Giáo sư người Hàn cho rằng, cách tiếp cận "Chính phủ kiến tạo phát triển" hay chủ nghĩa tân tự do tại Việt Nam chưa thỏa mãn. Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-can-dau-tu-tap-trung-tranh-dan-trai-149943.html