Phát triển đô thị thông minh qua hình thức đầu tư PPP

Việc áp dụng hình thức hợp tác đầu tư công tư (PPP) bước đầu sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị Việt Nam. Hình thức này mở ra thị trường và cơ hội đầu tư tương đối hấp dẫn cho nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Hơn 20 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh

Hiện nay, Việt Nam có trên 817 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Trên cả nước, hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án phát triển đô thị thông minh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng… và từng bước triển khai thí điểm trong một số lĩnh vực như: Chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.

Đa phần các tỉnh đều xây dựng lộ trình phát triển đô thị thông minh thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (đến năm 2020): Hình thành một phần cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh bao gồm: Nền tảng kết cấu hạ tầng (mạng viễn thông băng rộng, hệ thống các cảm biến, camera giám sát, hạ tầng an ninh, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu….) các cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, đất đai, DN...), hoàn thành một phần cơ bản xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu như: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2 (từ năm 2021 - 2025): Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, người dân chủ động tham gia quản lývà xây dựng chính sách phát triển xã hội, thông tin, cơ sở dữ liệu trở thành nguồn lực cơ bản trong phát triển xã hội, hình thành nền kinh tế số.

Giai đoạn 3 (sau năm 2025): Đối với TP. Hà Nội là phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Nhu cầu vốn để phát triển đô thị thông minh rất lớn, cụ thể như Hà Nội định hướng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ dành 3.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố thông minh. Tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành phố thông minh với tổng kinh phí ước thực hiện 2.130 tỷ đồng.

Với nhu cầu vốn như trên, để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển, hiện đại hóa về công nghệ hướng đến mô hình đô thị thông minh, không thể chỉ trông chờ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước mà cần huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tạo lực đẩy thu hút đầu tư PPP vào phát triển đô thị thông minh

Hình thức hợp tác đầu tư công tư (PPP) được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo đối tác công tư. Việc áp dụng hình thức này trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bước đầu sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, từ đó thay đổi rõ rệt diện mạo đô thị Việt Nam.

Trên thực tế, việc khu vực tư nhân tham gia cung cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển đô thị tại Việt Nam còn khiêm tốn. Hiện nay, mới chỉ có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam kết hợp với các cơ quan nhà nước triển khai các dự án đô thị thông minh.

Từ thực tế trên, để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ hình thức PPP vào phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý rõ ràng, chi tiết đối với hình thức đầu tư PPP nói chung và cụ thể trong từng lĩnh vực của phát triển đô thị thông minh nói riêng.

Cùng với đó, xác định các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ của khu vực tư nhân, khuyến khích cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ; Phải đưa yếu tố lựa chọn dự án lên hàng đầu, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị thông minh. Những dự án được lựa chọn luôn phải tính đến khả năng bù đắp chi phí của người sử dụng và được đặt vào trong bối cảnh chung về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị thông minh.

Nhà nước cần xây dựng những chính sách về tín dụng để các DN tư nhân có khả năng tiếp cận nguồn vốn nhằm cung cấp tài chính cho các hoạt động quan trọng mà khu vực tư nhân tham gia.

Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện các dự án PPP. Để cơ quan nhà nước giữ được quyền kiểm soát của mình một cách thường xuyên thì cần phải có đội ngũ nhân viên có năng lực, chuyên môn về tài chính, kỹ thuật để theo dõi tiến độ thực hiện công trình.

Hà Anh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-do-thi-thong-minh-qua-hinh-thuc-dau-tu-ppp-315860.html