Phát triển đô thị thông minh: Những bước đi khởi đầu

Ở Việt Nam, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP cả nước. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị cũng chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020

Tại Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020), chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, khu vực đô thị có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Ước tính các khu vực đô thị trên thế giới đóng góp từ 70-80% GDP quốc gia. Ở Việt Nam, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP cả nước. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị cũng chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước… bởi đô thị không chỉ là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, cung cấp việc làm và chất lượng cuộc sống tốt mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, của vùng. Ngoài ra các thành phố cũng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân giàu mạnh.

Nhưng cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân của tất cả những vấn đề đô thị và những thách thức to lớn có thể nói đều đến từ việc phát triển đô thị thời gian qua đã dựa vào khai thác thâm dụng quá mức tài nguyên, phát triển thiếu cân đối, hài hòa với các hệ sinh thái tự nhiên.

“Bài toàn của phát triển đô thị hiện nay chính là làm sao để giải quyết được các vấn đề tăng trưởng đô thị bền vững, có bản sắc trong khi vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ.

Đô thị dựa trên nền tảng phát triển của khoa học công nghệ thông tin truyền thông để giải quyết các vấn đề phát triển của đô thị một cách thông minh hơn đang trở thành trở thành xu hướng toàn cầu khi bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức và ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0.

Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp đô thị thông minh tại các đô thị trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Như, ứng dụng giao thông thông minh tại Stockhom, Thụy Điển vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%. Ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% (so với mức trung bình thế giới là 34%) xuống còn một nửa. Các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10-30% tổng chi phí vận hành…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Đến nay, việc phát triển đô thị thông minh đã rộng khắp trên thế giới. Một số quốc gia đã rất tích cực thúc đẩy phát triển đô thị thông minh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore,.... Năm 2018, Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN đã được thành lập để nhanh chóng hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chất lượng cuộc sống tối ưu hơn, đồng thời thiết lập mạng lưới kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thông tin để thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng chung của vùng. Khung mục tiêu của Mạng lưới (ASEAN Smart Cities Framework-ASCF) 2018 đã được xây dựng và thống nhất trong toàn Mạng lưới, tạo nền tảng nhận thức quan trọng về mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Theo đó, ba đầu ra chiến lược của Mạng lưới là: mức sống cao; nền kinh tế cạnh tranh và môi trường tự nhiên bền vững. Để thực hiện được 3 mục tiêu đầu ra trên, Khung cũng xác định 2 cơ sở để đảm bảo quản lý đô thị hóa thông minh là phải gắn với quy hoạch chung đô thị tích hợp và quản trị đô thị năng động; 2 trụ cột thúc đẩy là ứng dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật số (trong đó nhấn mạnh cơ sở dữ liệu làm nền tảng) và nguồn lực tài chính cùng sự hợp tác các đối tác.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh này, Việt Nam cũng có những cơ hội riêng để theo đuổi mô hình đô thị thông minh. Những năm qua, Việt Nam đã tích tụ nhiều cơ sở chuyển đổi số để hòa nhập vào xu hướng chung, cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet, khoảng 55% người sử dụng điện thoại thông minh. Xếp hạng chỉ số sẵn sàng kết nối NRI của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước. Nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã nhanh chóng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Nhiều thành phố đã triển khai các chương trình xây dựng thí điểm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác thế giới.

Phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn trong đó không chỉ hứa hẹn những kết quả tốt đẹp mà còn có thể chứa đựng cả những rủi ro. Chúng ta đang ở những bước đi khởi đầu trong hành trình tiếp cận, gia tăng tri thức và áp dụng tri thức mới. Thế giới sẽ còn tiếp tục nghiên cứu xu hướng này để tìm ra một giải pháp tối ưu hơn nữa. Nhưng trước mắt, sự nỗ lực của mọi quốc gia trong việc nhận định “sự thông minh” phù hợp trong bối cảnh phát triển của đất nước mình là rất quan trọng, để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển đô thị thông minh nói riêng và phát triển bền vững thế giới nói chung.

Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn thực hiện đô thị thông minh trên thế giới mới nhất đã chia sẻ: đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin mà bản chất của nó phải là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển đô thị theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế. Vì vậy, trong cuộc chơi này, có thể nói, vai trò của chính quyền và thể chế để dẫn dắt, thúc đẩy và định hướng xu hướng này là vô cùng quan trọng.

Hình ảnh đồ họa đô thị thông minh

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết thêm,với vai trò chức năng được giao về quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng phát triển thế giới, các bài học thực tiễn, vai trò và đánh giá khả năng áp dụng của đô thị thông minh trong bối cảnh Việt Nam để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh hơn như: đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Gọi tắt là Quyết định 950). Trong đó xác định mục tiêu cho phát triển đô thị thông minh của Việt Nam là: “hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống,… hạn chế rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”…

Bộ Xây dựng với vai trò đại diện Việt Nam – quốc gia chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, đã cùng với Ban thư ký ASEAN đồng chủ trì Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Chủ đề xuyên suốt cả năm cho các hoạt động đô thị thông minh là “Đô thị Thông minh – hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển Bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” (gọi tắt là Mạng lưới ASCN)…

Song song với sự nỗ lực của các cơ quan trung ương và bộ, ban, ngành, nhiều địa phương đã chủ động bắt tay ngay vào triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Cụ thể đã có 38/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai đề án cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh; 08/38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. Đã có 15/38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án. Các địa phương duy trì chế độ báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại địa phương. Qua rà soát bước đầu thực hiện đô thị thông minh ở địa phương, cho thấy các địa phương đang có những chuyển đổi về cơ chế, đầu tư để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến tới giải quyết 3 trụ cột đã được Quyết định 950 đề ra là quy hoạch thông minh, quản lý thông minh và cung cấp dịch vụ thông minh./.

Tin, ảnh: Hiền Hòa

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/phat-trien-do-thi-thong-minh-nhung-buoc-di-khoi-dau-566301.html