Phát triển đô thị biển đa dạng nhưng tránh manh mún

Tỉnh BR-VT có 5 huyện, thành phố tiếp giáp với biển. Những năm gần đây, BR-VT đang quy hoạch các đô thị ven biển như: đô thị cảng biển, đô thị du lịch biển, đô thị sinh thái biển… vừa bảo đảm sự phát triển bền vững, vừa tạo dựng bản sắc riêng của địa phương.

TP.Vũng Tàu đang xây dựng quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển.

TP.Vũng Tàu đang xây dựng quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển.

Theo các chuyên gia quy hoạch, công tác quy hoạch các đô thị biển tại BR-VT thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, bờ biển bị “bao vây” bởi các resort, khách sạn, nhà cao tầng. Dọc theo tuyến đường ven biển từ thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đua nhau mọc lên. Trải dài gần 10km dọc tỉnh lộ 44, phía bờ biển là những resort như Lan Rừng Phước Hải Resort & Spa (chủ đầu tư là Công ty TNHH An Kim Thiện), Tropicana Beach (Tập đoàn Kim Group), Thùy Dương Resort (Công ty CP May và Xây dựng Huy Hoàng), The Long Hải resort (Công ty CP Thương mại - Du lịch Tân Thành), Oceanami Villas & Beach Club (Công ty CP Beegreen và Công ty CP Du lịch Hoa Anh Đào), Zenna Villas (Công ty CP DKRA Việt Nam)…

Sở Xây dựng thừa nhận, hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ven biển trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc quy hoạch thiếu đồng bộ về phân khu chức năng giữa các khu vực; kiến trúc đô thị biển còn manh mún; thiếu công trình điểm nhấn nên không tạo sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo mang nét riêng của từng địa phương; trùng lắp về sản phẩm du lịch; thiếu các khu tổ hợp du lịch lớn, nổi tiếng, đa dạng… “Hiện nay, Sở Xây dựng đang chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại các dự án đầu tư du lịch ven biển chậm triển khai để đề xuất xử lý thu hồi dự án và bố trí quy hoạch xây dựng sau thu hồi. Theo đó, BR-VT sẽ ưu tiên bố trí thêm các khu chức năng công cộng như: Vui chơi giải trí, bãi tắm công cộng, bãi đậu xe, đường giao thông tiếp cận biển… để phục vụ người dân địa phương cũng như khách du lịch”, ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng miền Nam cho rằng, tỉnh BR-VT cần có tầm nhìn dài hạn đối với chiến lược phát triển các đô thị ven biển. Mỗi đô thị ven biển cần có chiến lược phát triển riêng. Đô thị biển không nhất thiết phải là đô thị du lịch, mà còn có thể phát triển với các chức năng chủ đạo khác đem lại bản sắc khác biệt, qua đó tạo thành một mạng lưới đô thị biển đa dạng.

Về lâu dài, để phát triển đô thị biển theo hướng bền vững, BR-VT cần phải tính đến giải pháp toàn diện hơn. Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, BR-VT có 305km chiều dài bờ biển nên thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản. Do đó, đô thị biển không nhất thiết luôn phải là đô thị du lịch nên BR-VT có thể tận dụng những lợi thế của mình hình thành một “tuyến đô thị ven biển đa năng”. Trong đó, nhóm đô thị ven biển mà BR-VT có thế mạnh để xây dựng và phát triển: Du lịch - nghỉ dưỡng; khai thác hải sản; khai thác dầu khí và khoáng sản; giao thông vận tải biển quốc tế...

Theo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, BR-VT định hướng phát triển các khu đô thị biển đa dạng. Cụ thể, tiếp tục phát triển TP. Vũng Tàu với chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của miền Đông Nam bộ và của tỉnh BR-VT; là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước. Phát triển Phú Mỹ thành đô thị công nghiệp- cảng biển, là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh BR-VT. Huyện Côn Đảo được xác định là khu kinh tế du lịch- dịch vụ chất lượng cao; phát triển Côn Đảo trở thành đô thị du lịch biển, du lịch văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Đồng thời phát triển các đô thị Long Hải, Phước Hải, Bình Châu với tính chất là đô thị du lịch, làm hạt nhân để phát triển các khu du lịch ven biển.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị sinh thái: Tây Nam TP. Bà Rịa; khu đô thị sinh thái Cù Lao - Bến Đình; khu đô thị sinh thái Đông Nam đảo Long Sơn; Bắc Phước Thắng - TP. Vũng Tàu, tạo không gian xanh và cân bằng trong quá trình phát triển của đô thị.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202006/tuan-le-bien-hai-dao-viet-nam-va-thang-hanh-dong-vi-moi-truong-phat-trien-do-thi-bien-da-dang-nhung-tranh-manh-mun-901349/