Phát triển điện mặt trời ra sao sau tháng 6/2019?

Dự kiến, từ tháng 7 tới, cơ chế hỗ trợ giá cố định (FIT) cho phát triển các dự án điện mặt trời sẽ có nhiều đổi thay khi phân chia theo 4 vùng. Vùng có bức xạ thấp có mức giá khuyến khích cao hơn.

Hiện nay còn hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17 GW đang đăng ký triển khai. Ảnh: Nguyễn Thanh

Hiện nay còn hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17 GW đang đăng ký triển khai. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tính giá điện theo vùng bức xạ

Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định có hiệu lực thi hành hết tháng 6/2019.

Để tiếp nối triển khai các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương đã "chắp bút" Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Tờ trình Dự thảo Quyết định này, sau khi có Quyết định 11, đến thời điểm tháng 3/2019, đã có 5 dự án điện mặt trời vào vận hành phát điện với tổng công suất 240 MW, có khoảng 8 GW điện mặt trời được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 và khoảng 12 GW giai đoạn đến 2025. Ngoài ra còn có hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17 GW đang đăng ký triển khai.

Thực tế cho thấy, cơ chế hỗ trợ giá cố định quy định tại Quyết định 11 (FIT) đã tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời tại Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu và còn non trẻ với các cam kết dài hạn về giá và trách nhiệm mua điện. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, Quyết định 11 bộc lộ một số hạn chế cần được xem xét.

Tư vấn quốc tế đã đề xuất xây dựng Biểu giá FIT khác nhau theo vùng tiềm năng cường độ bức xạ do các lý do: Giảm các vấn đề tắc nghẽn lưới; dễ dàng tích hợp lưới; tăng sự đồng thuận của cộng đồng; tránh những cạnh tranh quá mức về đất đai; cho phép các dự án ở những khu vực cường độ bức xạ thấp đạt được hiệu quả như các dự án ở khu vực có cường độ bức xạ cao.

Cụ thể, Dự thảo Quyết định đề xuất phân vùng cường độ bức xạ để tính toán giá FIT như sau: Vùng 1: 3,36-3,98 kWh/m2/ngày; vùng 2: 3,99-4,61 kWh/m2/ngày; vùng 3: 4,62-5,23 kWh/m2/ngày; vùng 4: bao gồm 6 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk hiện đang bị quá tải về lưới điện, vì vậy đề xuất áp dụng tính giá FIT với cường độ bức xạ khoảng 5,1 kWh/m2/ngày. Vùng có bức xạ thấp có mức giá khuyến khích cao hơn.

Liên quan tới vấn đề phân vùng phát triển dự án điện mặt trời như trên, Bộ Tài chính đã đề nghị cân nhắc, xem xét hiệu quả kinh tế khi khuyến khích đầu tư vào các khu vực có cường độ bức xạ thấp.

Còn theo EVN, giai đoạn trước ngày 30/6/2019, cơ chế giá FIT đã thu hút vượt xa mục tiêu của Chính phủ. Đồng thời, với chi phí đắt đỏ của nguồn năng lượng này, EVN đề nghị không khuyến khích đầu tư bằng mọi giá. Do vậy, giá điện vùng I, nơi có bức xạ kém, EVN đề nghị giữ nguyên mức giá FIT như hiện nay.

Đáp lại các ý kiến, Bộ Công Thương giải trình: Các dự án điện mặt trời nối lưới đang được phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn với quy mô lớn, tiến độ xây dựng đi vào vận hành nhanh, dẫn đến khả năng gây quá tải lưới điện cục bộ và ảnh hưởng đến an toàn cùng cấp điện hệ thống.

Để giải quyết vấn đề này, tư vấn quốc tế đã đề xuất xây dựng Biểu giá FIT khác nhau theo vùng tiềm năng cường độ bức xạ (kinh nghiệm đã áp dụng tại Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Đan Mạch và Trung Quốc) nhằm đảm bảo khuyến khích đồng đều trên cả nước, đảm bảo giải tỏa công suất, vận hành ổn định hệ thống.

Giá điện cao nhất 10,87 cent/kWh

Về mức biểu giá FIT cụ thể, theo Tờ trình Dự thảo Quyết định: Biểu giá FIT dựa trên chi phí sản xuất điện quy dẫn được tính toán dựa trên chi phí đầu tư, chi phí vận hành và chi phí tài chính. FIT phản ánh chi phí sản xuất điện ước tính của một công nghệ năng lượng tái tạo nào đó dựa trên các giả thiết đầu vào chính.

Biểu giá mua điện mặt trời như sau: Dự án điện mặt trời nổi: Vùng 1 (2.281 đồng/kWh); vùng 2 (1.963 đồng/kWh); vùng 3 (1.758 đồng/kWh); vùng 4 (1.655 đồng/kWh), tương đương lần lượt là 9,98 cent/kWh; 8,95 cent/kWh; 7,69 cent/kWh; 7,24 cent/kWh.

Dự án điện mặt trời mặt đất: Vùng 1 (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh); vùng 4 (1.525 đồng/kWh), tương đương 9,20 cent/kWh; 7,91 cent/kWh; 7,09 cent/kWh; 6,67 cent/kWh.

Dự án điện mặt trời mái nhà: Vùng 1 (2.486 đồng/kWh); vùng 2 (2.139 đồng/kWh); vùng 3 (1.916 đồng/kWh); vùng 4 (1.803 đồng/kWh), tương đương 10,87 cent/kWh; 9,36 cent/kWh; 8,38 cent/kWh; 7,89 cent/kWh.

Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.

Giá mua điện được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Về thời gian áp dụng và tính giá điện, Bộ Tài chính nêu ý kiến, Dự thảo quy định giá mua điện áp dụng 20 năm chưa phù hợp với lộ trình thị trường điện. Đặc biệt trong giai đoạn này, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế đấu giá điện mặt trời. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc áp dụng thời gian phù hợp.

Đáp lại, Bộ Công Thương đưa ra giải trình: Quy định về giá mua điện tại Dự thảo Quyết định có thời hạn hiệu lực trong 2 năm, đến hết năm 2021. Các dự án vào vận hành trong thời gian này được áp dụng giá bán điện quy định tại dự thảo trong 20 năm. Đây là cơ chế khuyến khích đã được triển khai thành công tại Quyết định 11.

Thời gian áp dụng giá mua điện ưu đãi cho các dự án vào vận hành trong thời gian hiệu lực của Quyết định là cần thiết để các nhà đầu tư tính toán được hiệu quả kinh tế và quyết định đầu tư. Trên thế giới chính sách này được áp dụng rộng rãi cho các thị trường mới phát điện như tại Việt Nam. Sau năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất áp dụng cơ chế đấu giá các dự án điện mặt trời.

Theo báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác phát triển Tây Ban Nha hỗ trợ Bộ Công Thương thực hiện năm 2015: Bức xạ mặt trời của Việt Nam nằm trong dải vùng từ 3,36 tới 5,23 kWh/m2/ngày (độ cách biệt lên tới 1,87). Vì vậy, các dự án điện mặt trời nối lưới đang được phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn với quy mô lớn, tiến độ xây dựng đi vào vận hành nhanh, dẫn đến khả năng gây quá tải lưới điện cục bộ và ảnh hưởng đến an toàn cung cấp hệ thống điện.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/phat-trien-dien-mat-troi-ra-sao-sau-thang-62019-103536.html