Phát triển Diên Khánh thành thị xã

Với mục tiêu phát triển thành thị xã trước năm 2025, ngày 29-3, Huyện ủy Diên Khánh đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển Diên Khánh trở thành thị xã với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thay đổi diện mạo đô thị

Là một trong những hộ bị giải tỏa trắng khi triển khai xây dựng đường D6 (đoạn nối Tỉnh lộ 2 và Quốc lộ 27C), gia đình chị Huỳnh Thị Phương Mai (thôn Thanh Minh 3, xã Diên Lạc) đã mua đất của Nhà nước và làm nhà trên tuyến đường này. Ngôi nhà khang trang 3 tầng, có mặt tiền đường D6 là điều kiện thuận lợi để chị Mai mở rộng quy mô cửa hàng tạp hóa ngay tại tầng trệt. Chị Mai chia sẻ: “Trước đây, ngôi nhà cấp 4 của gia đình tôi xuống cấp, hư hỏng nhiều. Khi xây dựng đường D6, nhờ chính sách đền bù giải tỏa và tái định cư của Nhà nước, gia đình tôi được mua lô đất rộng hơn 200m2 nên đã vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà kiên cố. Các hạ tầng như điện chiếu sáng, cấp thoát nước ở tuyến đường này tốt nên gia đình tôi rất yên tâm, phấn khởi khi chuyển về đây sống, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn”.

 Một góc đô thị Diên Khánh. Ảnh: MÃ PHƯƠNG

Một góc đô thị Diên Khánh. Ảnh: MÃ PHƯƠNG

Xung quanh gia đình chị Mai, nhiều ngôi nhà mới khang trang cũng đã mọc lên. Trước đây, các hộ có nhà cũ quay mặt ra cánh đồng lúa nhưng khi có đường D6, người dân đã sửa chữa, xây nhà mới hướng về mặt đường. Nhờ đó, nhiều hộ đã có thêm ngành nghề mới, tăng thu nhập như: Mở quán nước giải khát, sửa xe, tạp hóa, kinh doanh quán ăn bình dân…

Trên đây chỉ là một trong số các công trình trọng điểm đã mang lại diện mạo mới và làm đổi thay cuộc sống khu dân cư của huyện trong thời gian qua. Theo ông Phan Văn Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Diên Khánh, chương trình phát triển đô thị của huyện giai đoạn 2016 - 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực. Huyện đã thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm, hạ tầng khung bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Kè chống sạt lở bờ bắc thị trấn Diên Khánh; kè và đường số một dọc sông Cái và sông Suối Dầu; kè và đường dọc sông nhánh nối sông Cái và sông Đồng Đen; đường D6; khu dân cư Phú Ân Nam 2; Trường THCS Diên Phú; Khu đô thị mới Nam sông Cái… Huyện đã thực hiện phủ kín quy hoạch trên địa bàn với những đồ án quy hoạch quan trọng, mang tính định hướng lâu dài. Ngoài ra, kết quả nổi bật trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn vừa qua là ngày 2-3, Bộ Xây dựng đã công nhận huyện Diên Khánh đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Khánh Hòa vào năm 2021. Đây là một tiêu chí mấu chốt để huyện thực hiện chương trình phát triển lên thị xã.

Tuy nhiên, chương trình phát triển đô thị huyện Diên Khánh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng vẫn còn một số bất cập; nhu cầu vốn cho phát triển đô thị quá lớn trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên việc phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị chỉ tập trung chủ yếu tại thị trấn Diên Khánh; các tiêu chí đô thị loại IV chỉ mới đạt ở mức tối thiểu…

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị

Nghị quyết của Huyện ủy đặt mục tiêu xây dựng huyện Diên Khánh trở thành thị xã trước năm 2025 với các khu vực phát triển thành nội thị gồm thị trấn Diên Khánh và các xã: Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh, Diên Lạc, Diên Phú, Diên Phước, Suối Hiệp, Diên Sơn, Diên Điền.

Một góc đô thị Diên Khánh. Ảnh: MÃ PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Gẩm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, huyện sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ việc phát triển đô thị. Trong đó, huyện thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục cấp phép xây dựng nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tại địa phương; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại hình dịch vụ như: Tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề phi nông nghiệp… Huyện ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; sử dụng các quỹ đầu tư hiện có như: Quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng... nhằm tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu đô thị mới. Huyện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng để phục vụ lâu dài cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là người có thu nhập thấp; quy hoạch các khu tái định cư phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị...

Hiện nay, UBND huyện đang cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện. Trước mắt, trong năm 2021, huyện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chuẩn đô thị loại IV, trong đó đầu tư nâng cấp, cải thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật để các tiêu chí đạt trên mức điểm tối thiểu và đạt sát mức điểm tối đa.

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202104/phat-trien-dien-khanh-thanh-thi-xa-8212047/