Phát triển điện hạt nhân: Lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng quốc gia

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa khép lại, để lại dấu ấn đậm nét với khối lượng công việc đồ sộ và nhiều quyết sách mang tính bước ngoặt, trong đó có việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau nhiều năm tạm dừng. Quyết nghị của Quốc hội, và việc trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì phát triển bền vững của đất nước.

Từ xu hướng khôi phục điện hạt nhân trên thế giới

Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại COP26 và COP28 cũng như từ thực tế khủng hoảng, thiếu hụt năng lượng, nhiều quốc gia đang hướng sự quan tâm mạnh mẽ trở lại với điện hạt nhân.

Ngày 21/3/2024, đại diện 50 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng hạt nhân đã ký Tuyên bố thiết lập những ưu tiên và hiểu biết chung thúc đẩy nguồn năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân thì không có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu đúng thời hạn.

Trước đó, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) vào năm 2023, có 22 quốc gia có cùng quan điểm, chủ yếu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, đã đặt mục tiêu tăng công suất nhà máy điện hạt nhân lên khoảng 1,2 tỷ kilowatt vào năm 2050, cao gấp ba lần mức năm 2020.

 Việc phát triển điện hạt nhân trở nên ngày càng cần thiết. Ảnh: TTXVN

Việc phát triển điện hạt nhân trở nên ngày càng cần thiết. Ảnh: TTXVN

Tại Nghị quyết 41 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2), mỗi nhà máy có 2 tổ máy với tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng (tại thời điểm lập dự án vào cuối 2008). Công suất 2 nhà máy trên 4.000 MW, mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, H.Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Trên thực tế, tính đến tháng 6/2024, có 436 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, với công suất phát điện khoảng 416 triệu kilowatt, vượt mức cao kỷ lục của năm 2018 (414,45 triệu kilowatt). Khoảng 70 nhà máy điện hạt nhân mới đã được xây dựng trong thập kỷ qua, trong đó, Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu về xây dựng mới. Trung Quốc dự kiến dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt điện hạt nhân vào năm 2030. Sản lượng điện hạt nhân của nước này dự kiến chiếm 10% tổng sản lượng điện vào năm 2035, thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng ít carbon. Mới đây, tháng 7/2024, nước này khởi công mở rộng nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 4 đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao Shidaowan (HTGR) ở tỉnh Sơn Đông.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng đến năm 2050, nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng gấp đôi mức hiện tại và năng lượng hạt nhân đang được đánh giá lại là nguồn năng lượng sạch, ổn định để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Việt Nam: Đảm bảo an ninh năng lượng, hiện thực hóa Net Zero, phải có điện hạt nhân

Đó là nhìn nhận của Bộ Công thương cũng như rất nhiều chuyên gia trước chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc nghiên cứu, xem xét khởi động lại dự án điện hạt nhân. Trước đó, từ khi lấy ý kiến sửa đổi Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã đặt vấn đề phát triển các nguồn năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân. Tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi trình bày trước Quốc hội mới đây, việc phát triển điện hạt nhân cũng được đề cập.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương đã đề cập đến lý do tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định. Đồng thời, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ rõ, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn ở giai đoạn 2026 - 2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện. Cụ thể, theo tính toán, đến năm 2030, Việt Nam cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050 sẽ phải gấp 5 lần công suất hiện nay. Tuy nhiên, các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ… Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết.

Với các chuyên gia, chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân là phù hợp với xu hướng phát triển khi công nghệ sản xuất điện hạt nhân ngày càng an toàn và không phát thải. Đây cũng là nguồn điện rẻ, ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, đáp ứng lộ trình thực hiện Net Zero của Việt Nam.

Chúng ta tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì làm điện hạt nhân là việc không thể không thực hiện. Các nước trên thế giới đã lựa chọn điện hạt nhân là nguồn giảm phát thải trong phát triển năng lượng”, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhấn mạnh. Còn PGS. TS. Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thì cho rằng: “Trước sau gì chúng ta cũng phải phát triển điện hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng”.

 Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải,, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN

Vùng đất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải,, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trong kiến nghị gửi Chính phủ, các chuyên gia thuộc Hội đồng khoa học tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng từng cho rằng việc sớm tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân là cần thiết, bởi trong bối cảnh hạn chế phát triển nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than, việc quy hoạch phát triển các nguồn điện sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn có công suất lớn, ổn định, giá thành phù hợp. Điện hạt nhân, năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới để giảm thiểu tác động đến khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng tiên tiến, có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối theo các yêu cầu khắt khe.

Trước đó, trong kết luận của Thường trực Chính phủ hồi tháng 9, Chính phủ cho biết, Việt Nam định hướng chuyển nguồn năng lượng nền từ điện than sang khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng đạt 12 đến 15% mỗi năm. Vì thế, ngoài các nguồn năng lượng hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân là cần thiết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển điện hạt nhân có thể giúp bổ sung nguồn điện nền giảm thiểu rủi ro về môi trường.

Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường

Mới đây nhất, chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương diễn ra sáng 25/11/2024. Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt, Trung ương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. Ảnh: QH

Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV trong đó đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. Ảnh: QH

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), các nhà kinh tế ước tính, mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ nhờ giảm ô nhiễm không khí. Trên toàn cầu, việc giảm 389 nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl khiến các quốc gia mất đi 318 triệu năm tuổi thọ dự kiến, trong đó riêng Mỹ mất 141 triệu năm.

Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng cùng chung quan điểm tái khởi động điện hạt nhân là cần thiết, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, tuy nhiên cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân thành công, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt cần có các bước đi thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các bước về quy định luật pháp, cơ chế, kỷ cương và đặc biệt là giáo dục về an toàn, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Khối lượng công việc của một dự án điện hạt nhân rất lớn, các nhiệm vụ đặt ra trước mắt (sau khi có chủ trương của Đảng và Chính phủ) là rất khó nhưng nếu quyết tâm và có mục tiêu, lộ trình rõ ràng chúng ta sẽ triển khai thực hiện thành công”, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Trên hết, như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Sự khẩn trương, tâm thế quyết liệt, mục tiêu, lộ trình rõ ràng ấy - sẽ không chỉ là “chìa khóa” để đưa dự án điện hạt nhân trở thành hiện thực, mà còn góp phần đẩy nhanh hơn nữa hành trình tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển của dân tộc ta, đất nước ta.

Nguyễn Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-dien-hat-nhan-lua-chon-tat-yeu-cho-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-post324236.html