Phát triển dịch vụ thương mại khu vực nông thôn

Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị ở khu vực thành phố, tỉnh ta chỉ đạo các địa phương thuộc khu vực nông thôn tập trung phát triển thương mại nông thôn thông qua việc phát triển các cửa hàng thương mại, xây mới chợ phục vụ dân sinh.

Cửa hàng tạp hóa xã Nga Yên (Nga Sơn).

Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, xã khu vực nông thôn phát triển các cửa hàng bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh đó, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các chợ truyền thống.

Thực hiện định hướng, chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các huyện, xã thuộc khu vực nông thôn đã lấy thị trấn huyện, trung tâm cụm xã làm trung tâm, từ đó hình thành các cụm kinh tế thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ sở chế biến, dịch vụ sửa chữa, thương mại ăn uống. Cùng với đó tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư để tập trung nâng cấp và xây mới các chợ ở trung tâm các huyện, xây mới chợ ở một số xã có nhu cầu nhưng chưa có chợ.

Phát huy lợi thế gần trung tâm thị trấn huyện và có tuyến Quốc lộ 10B chạy qua, những năm qua, xã Nga Yên, huyện Nga Sơn đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các loại ngành nghề dịch vụ thương mại thông qua việc động viên, khuyến khích các hộ sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 10B và khu vực gần thị trấn chuyển đổi ngành nghề, đầu tư phát triển các dịch vụ thương mại, như: Bán hàng tạp hóa, hoa quả, các cửa hàng điện tử, bán quần áo, cửa hàng bán thực phẩm an toàn... Xã cũng đã và đang chú trọng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, xã còn khuyến khích các hộ có điều kiện kinh tế phát triển dịch vụ nhà hàng, xe khách, xe taxi, dịch vụ nông nghiệp... Để tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi ngành nghề sang dịch vụ, thương mại, xã đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các hộ dân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển kinh doanh. Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nên việc phát triển dịch vụ, thương mại của xã đạt được những kết quả nổi bật. Lĩnh vực dịch vụ thương mại chiếm tới 54% cơ cấu kinh tế của xã. Toàn xã hiện có 537 hộ, với 1.016 lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho khoảng 450 lao động.

Tại huyện Nông Cống, giá trị sản xuất, kinh doanh từ lĩnh vực dịch vụ, thương mại từ năm 2016 đến nay ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Được biết, để phát triển dịch vụ, thương mại, huyện đã lập kế hoạch về sử dụng đất, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và thành lập mới doanh nghiệp. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, tổ chức sắp xếp mạng lưới thương mại gắn với việc phát triển các khu, cụm thương mại ở trung tâm huyện, xã. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các xã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà hàng, khách sạn, các trung tâm tổ chức sự kiện. Qua đó, huyện đã hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý 2 chợ, gồm: chợ Mực, xã Vạn Thắng; chợ Cầu Quan, xã Trung Ý và hiện đang triển khai chuyển đổi chợ Trầu, xã Công Liêm; chợ Chuối, thị trấn Nông Cống; chợ Vạn Thành, xã Thăng Long. Thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng các nhà hàng khách sạn tại các xã Trường Sơn, Trung Chính, Tế Lợi và thị trấn Nông Cống. Đây là những điều kiện cần thiết để các địa phương của huyện Nông Cống tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển dịch vụ, thương mại. Ngoài việc thu hút đầu tư, huyện còn khuyến khích các hộ dân sinh sống tại các tuyến giao thông qua địa bàn để phát triển kinh doanh. Nhờ đó, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện ngày càng tăng và hiện toàn huyện đang có 6.547 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Việc phát triển dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn không những thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển, mà còn giúp nhiều hộ dân chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực nông thôn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ, thương mại theo định hướng của tỉnh.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/i6nfcr/new-article.aspx