Phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bà Trần Thị Tường Vân - Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết, hiện nay, toàn quận đã có các kênh phân phối khác nhau trong nỗ lực phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm đến.

Chợ hải sản thuộc địa bàn P. Thanh Khê Đông chuyên cung cấp các loại thủy, hải sản tươi sống.

Theo tìm hiểu, Thanh Khê hiện có 3 trung tâm mua sắm lớn là Siêu thị BigC, Trung tâm mua sắm Parksons và Siêu thị Coop Mart. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các trung tâm thương mại chuyên về thiết bị gia dụng, điện tử… như Siêu thị điện máy Xanh, Siêu thị Trần Anh; Trung tâm điện máy Nguyễn Kim, Viettronimex, Đệ Nhất Phan Khang. Bên cạnh đó, toàn quận đã hình thành 13 chợ truyền thống, bao gồm 1 chợ hạng I do Siêu thị Nguyễn Kim quản lý, 1 chợ hạng II và 11 chợ hạng III hoạt động với hơn 2.200 hộ tiểu thương kinh doanh cố định. Những năm qua, với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cấp hơn 25 tỷ đồng cùng với sự đóng góp của nhân dân theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống cơ sở hạ tầng các chợ được cải thiện đáng kể. Hằng năm, nguồn ngân sách nhà nước địa phương cũng đã được sử dụng khá hiệu quả trong đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các chợ Phú Lộc, Quán Hộ, Thanh Khê 1 và xây dựng chợ đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo chủ trương của thành phố.

Điều đáng nói là những năm vừa qua, Thanh Khê cũng là quận đẩy mạnh hoạt động của các phố chuyên doanh được nhiều người biết đến. Đó là phố chuyên doanh thời trang trên đường Lê Duẩn với 255 cơ sở kinh doanh, trụ sở các cơ quan. Trong khi đó, trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng có 175 cơ sở đang hoạt động kinh doanh, trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán đặc sản của TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung… Riêng trên tuyến đường Hàm Nghi hiện có 129 cơ sở đang hoạt động kinh doanh, trong đó lĩnh vực điện tử-kỹ thuật số chiếm 37,2%, còn lại là các ngành nghề kinh doanh khác. Tại tuyến đường Nguyễn Tri Phương hiện có 69 cơ sở đang hoạt động kinh doanh, trong đó đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Văn Linh có nhiều nhà hàng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là 8 nhà hàng cơm niêu rất được nhiều người dân địa phương, du khách tìm đến.

Phan Văn Thái - Chủ tịch UBND P. An Khê, cho biết, phố chuyên doanh hoa, sinh vật cảnh trên đường Nguyễn Đình Tựu đã có hơn 70 hộ kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động. Nơi đây đã cơ bản hình thành một thị trường cung cấp hoa, sinh vật cảnh cho khách hàng ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận như Hội An, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị... Bên cạnh đó, phố chuyên doanh hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ cũng đã được hình thành trên tuyến đường này, hoạt động từ cuối năm 2016 với 29 hộ kinh doanh. Ông Thái khẳng định, tuyến phố chuyên doanh mới này hiện đang được củng cố và tiềm năng đạt hiệu quả trong tương lai sẽ rất cao.

“Để thực hiện Đề án phát triển ngành dịch vụ Q. Thanh Khê trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, chỉ riêng dịch vụ thương mại, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố mạng lưới chợ, mở rộng, hình thành và phát triển một số siêu thị, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Tăng cường hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các tuyến phố chuyên doanh: hàng thủ công mỹ nghệ đường Nguyễn Đình Tựu; tuyến phố điện-điện tử Hàm Nghi, tuyến phố nhà hàng, khách sạn đường Nguyễn Tất Thành…” - Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê nhấn mạnh.

PHƯƠNG KIẾM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_173175_pha-t-trie-n-di-ch-vu-tha-nh-nga-nh-kinh-te-mu-i-nho-n.aspx