Phát triển dịch vụ tài chính chính hỗ trợ chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh đại dịch đã và đang làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam, hoạt động tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua việc hỗ trợ tài chính, cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng sẽ giúp các DN nhanh hồi phục chuỗi cung ứng, mở rộng sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường mới và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chú trọng phát triển dịch vụ tài chính chính hỗ trợ chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị Thường niên lần thứ 8 - Mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) do Hội đồng tư vấn DN APEC (ABAC) và IFC với sự hỗ trợ của NHNN và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) phối hợp tổ chức ngày 26/11, ông Đỗ Hoàng Phong - Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực tế cho thấy, dịch vụ tài chính là một trong những yếu tố thiết yếu để cải thiện khả năng cạnh tranh của các chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng kết nối các nhà thu mua, các công ty cung ứng và các tổ chức tín dụng sẽ cho phép các nhà cung cấp và phân phối tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng còn cho phép các nhà cung ứng thực hiện nhiều giao dịch tài khoản mở hơn nữa, thu hút các nhà thu mua toàn cầu hơn.

 Hội nghị Thường niên lần thứ 8 - Mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) của các quốc gia nền kinh tế thành viên APEC

Hội nghị Thường niên lần thứ 8 - Mạng lưới phát triển cơ sở hạ tầng tài chính (FIDN) của các quốc gia nền kinh tế thành viên APEC

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, với các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các DN trong nước. Tuy nhiên, việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.

Theo thống kê của Hệ thống quốc gia Đăng ký giao dịch đảm bảo, số lượng các đăng ký giao dịch đảm bảo bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của NHNN thời gian qua các chính sách tài chính có thể hỗ trợ khu vực DN sản xuất, kinh doanh thông qua việc NHNN hỗ trợ các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành cho các khách hàng, miễn giảm lãi trong thời kỳ DN không có doanh thu, chủ động ban hành các văn bản và yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng để xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Hỗ trợ DN ổn định và phát triển chuỗi cung ứng

Tiềm năng của thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam được ước tính hiện có thể đạt hơn 33 tỷ USD. Tuy vậy, để khai thác được tiềm năng này, Việt Nam cần cân nhắc các giải pháp cần thiết để phát triển thị trường. Hệ thống chính sách và hướng dẫn thực hiện liên quan đến tài trợ chuỗi cung ứng, sự phát triển của các công ty tài chính thương mại như công ty tài chính bao thanh toán và tổ chức cho vay không nhận tiền gửi, sự tham gia của các công ty quản lý tài sản đảm bảo, và nền tảng công nghệ và số hóa tài trợ chuỗi cung ứng... là những lĩnh vực cần sớm được cải thiện để thiết lập hệ sinh thái giúp tài trợ chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Kobsak Duangdee - Chủ tịch Nhóm Công tác về thị trường tài chính - Đồng Chủ tịch Nhóm làm việc về tài chính và các vấn đề về nền kinh tế của APEC - cho biết: Hiện nay, IFC cùng với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), đang triển khai dự án tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam thông qua cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng ngành, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng và nhận thức của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể phát triển kinh doanh, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hiện nhóm đã hoạt động và hỗ trợ cho 140 quốc gia và nhận được 1.400 sáng kiến.

Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid- 19 cũng đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thật sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thật sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc DN theo hướng hiệu quả, phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả hơn - Ông Kobsak Duangdee nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn đang ẩn chứa nhiều biến động khó lường, việc thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững đang được coi là một trong các con đường có yếu tố quyết định để phục hồi và tạo đà bứt phá cho khu vực DN và tăng trưởng kinh tế đất nước. Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Luật Hỗ trợ DNNVV với một trong ba nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DNNVV tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-dich-vu-tai-chinh-chinh-ho-tro-chuoi-cung-ung-148311.html