Phát triển dịch vụ, hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, nhiều Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã phát triển dịch vụ vật tư nông nghiệp theo hình thức bán trả chậm, giúp người dân ở các địa phương có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi. Đồng thời, thông qua tín dụng nội bộ đã hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở nhiều vùng nông thôn.

Hỗ trợ mua vật tư trả chậm

Kể từ khi thực hiện Luật HTX 2012, tất cả các HTX phải hoạt động theo cơ chế tự chủ như một doanh nghiệp, không còn chế độ bao cấp như trước, khiến nhiều HTX nông nghiệp rơi vào khó khăn. Để đứng vững trước cơ chế thị trường, nhiều HTX đã linh hoạt trong hướng đi mới bằng cách phát triển dịch vụ vật tư nông nghiệp như giống, phân bón...

Thông qua dịch vụ nông nghiệp, nhiều HTX Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ nông dân trong thu hoạch nông sản.

Một trong những HTX tiên phong và mạnh nhất trong hoạt động cung ứng phân bón cho nông dân là HTX Nông nghiệp Phổ Minh (TX.Đức Phổ). Từ chỗ cung cấp cho nông dân trong xã, rồi mở rộng ra toàn TX.Đức Phổ, đến nay, HTX đã vươn ra liên kết với các HTX ở các huyện khác như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP.Quảng Ngãi... để cung cấp phân bón bằng hình thức bán trả chậm theo thỏa thuận, hoặc thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường từ 100 - 300 tấn phân bón NPK.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổ Minh Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: Mỗi năm, sau khi nhập phân bón về, HTX sẽ xây dựng giá và niêm yết công khai. Giá bán được giữ ổn định trong một năm, dù giá ngoài thị trường có tăng thì HTX vẫn không tăng giá. Hợp tác xã luôn tạo điều kiện cho nông dân trong xã mua phân bón theo hình thức trả chậm, khi nào đến mùa vụ mới trả. Nhiều hộ quá khó khăn, HTX để sang vụ sau nữa mới lấy tiền, nhưng giá cả vẫn không cao hơn ngoài thị trường.

Những năm qua, HTX Nông nghiệp Nghĩa Kỳ Đông (Tư Nghĩa) cũng là một trong những địa chỉ tin cậy giúp hàng trăm nông dân trên địa bàn tiếp cận được các dịch vụ phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật mỗi khi mùa vụ đến. Đa số vật tư nông nghiệp đều được HTX bán chịu cho nông dân, đến khi thu hoạch mới trả cho HTX, nên người dân rất phấn khởi.

Hạn chế "tín dụng đen"

Bên cạnh phát triển dịch vụ cung ứng vật tư cho người dân theo hình thức trả chậm, bao giá ổn định, HTX Nông nghiệp Phổ Minh còn góp phần hạn chế tín dụng đen tại địa phương thông qua hoạt động tín dụng nội bộ. Từ 100 triệu đồng ban đầu triển khai vào năm 1999, đến nay, nguồn vốn này đã đạt tới 3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân trong xã vay mỗi khi cần vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi.

Không riêng gì HTX Nông nghiệp Phổ Minh, những năm qua, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều HTX triển khai mô hình tín dụng nội bộ. Như HTX Nông nghiệp Bình Trung 1 (Bình Sơn) hiện đang quản lý quỹ tín dụng khoảng 1 tỷ đồng, đây là nguồn vốn cho nông dân vay để sản xuất với lãi suất thấp. Nhờ đó, nông dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, cuộc sống của các thành viên trong HTX được cải thiện từng bước.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Trung 1 Phạm Số, kể từ năm 2009, tín dụng nội bộ là một trong ba lĩnh vực hoạt động đem lại nguồn thu chính cho HTX. Mỗi năm, HTX dành ra 1 tỷ đồng để cho các thành viên vay. Dịch vụ này đã góp phần tăng lợi nhuận cho kinh tế tập thể; đồng thời giải quyết nhu cầu về vốn cho các thành viên phát triển chăn nuôi, mở rộng sản xuất, trồng rừng.

Ưu điểm của tín dụng nội bộ do HTX quản lý, là người dân có thể vay vốn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Lãi suất thấp hơn, hoặc bằng với lãi suất ngân hàng, người vay lại không phải đi xa, thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Nhờ đó, những xã nào có HTX triển khai tín dụng nội bộ, thì xã đó hạn chế được "tín dụng đen", nhất là trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh Covid-19 như vừa qua và mưa, bão gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Hơn nữa, nguồn vốn tín dụng nội bộ của các HTX sẽ là chỗ dựa để người nông dân khôi phục sản xuất.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202011/phat-trien-dich-vu-ho-tro-nong-dan-3029809/