Phát triển đảng viên mới: Cần những giải pháp tổng thể, căn cơ

Theo nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, có 1 trong 15 chỉ tiêu được đề ra là bình quân mỗi năm kết nạp đảng viên (ĐV) mới đạt tỷ lệ 2,5% trở lên so với tổng số ĐV của Đảng bộ tỉnh vào đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đến thời điểm tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2020 của Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ ĐV mới kết nạp chỉ đạt 1,9%, thấp hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Vậy, đâu là nguyên nhân và những giải pháp cần triển khai trong công tác này như thế nào?

Lãnh đạo Đảng ủy Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khen thưởng các học viên có thành tích xuất sắc tại lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng (tháng 10-2020).

Lãnh đạo Đảng ủy Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khen thưởng các học viên có thành tích xuất sắc tại lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng (tháng 10-2020).

Theo kết quả đánh giá công tác phát triển Đảng trong những năm gần đây, tỷ lệ ĐV mới kết nạp đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh kết nạp được trên 16 nghìn ĐV, tỷ lệ phát triển ĐV mới bình quân hàng năm đạt 3,8% so với tổng số ĐV của Đảng bộ tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (3,5%). Do thực hiện tốt công tác phát triển ĐV, từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh đã giảm được giảm 63/181 xóm, tổ dân phố phải sinh hoạt ghép. Hiện toàn tỉnh còn 118 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ phải sinh hoạt ghép. Cơ cấu ĐV chuyển biến theo hướng trẻ hóa; chất lượng ĐV mới được nâng lên.

Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cũng cho thấy công tác phát triển ĐV mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu bình quân hàng năm kết nạp ĐV đạt tỷ lệ từ 2,5% trở lên so với tổng số ĐV của Đảng bộ tỉnh vào đầu nhiệm kỳ. Khi xây dựng chỉ tiêu này thấp hơn nhiệm kỳ trước, nhiều đại biểu cũng băn khoăn. Lý giải về việc đưa ra chỉ tiêu phát triển ĐV thấp hơn nhiệm kỳ trước, tại các hội nghị của Tổ biên tập, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng tỷ lệ phát triển Đảng bình quân những năm gần đây giảm dần. Năm 2016 đạt 4,31%, đến năm 2018 đạt 3,75%, năm 2019 giảm còn 3,08% và dự ước năm 2020 sẽ đạt xấp xỉ 3%. Tuy nhiên, năm 2020 toàn tỉnh kết nạp được 1.809 ĐV, đạt 1,9% (chỉ tiêu là 2,5%).

Tìm hiểu thực tế tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, chúng tôi nhận thấy công tác phát triển Đảng không đạt chỉ tiêu có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đơn cử như Đảng bộ T.P Thái Nguyên, năm 2020 đề ra chỉ tiêu kết nạp 450 ĐV mới, nhưng đến nay mới kết nạp được 360 ĐV (bằng 80%). Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch tạo nguồn phát triển ĐV của cấp ủy một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt. Nguyên nhân khách quan do nguồn để phát triển Đảng gần đây giảm dần, lực lượng trẻ đi làm tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên đi học không sinh hoạt tại địa phương tăng; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên công tác tuyển dụng hợp đồng lao động ở các cơ quan, đơn vị, trường học giảm cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả công tác phát triển đảng viên. Đảng bộ huyện Phú Lương cũng trong tình trạng như trên, tính đến hết tháng 11 toàn huyện mới kết nạp được 96 ĐV (chỉ tiêu đề ra năm nay là kết nạp 140 ĐV). Bởi vậy, dự báo năm nay huyện không hoàn thành được chỉ tiêu này.

Ở một số đảng bộ, nhất là khu vực nông thôn, có nhiều chi bộ cả nhiệm kỳ không phát triển được ĐV nào. Đơn cử như Đảng bộ xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, nhiệm kỳ vừa qua có 3 chi bộ không phát triển được ĐV, trong đó trừ Chi bộ Y tế không còn nguồn thì chi bộ 2 xóm thuần nông là Na Chặng và Trung Đình không phát triển được ĐV mới. Độ tuổi trung bình của các ĐV ở hai chi bộ này khá cao (trên 60 tuổi). Trao đổi cùng lãnh đạo Đảng ủy xã, chúng tôi nhận thấy không phải những chi bộ không phát triển được ĐV mới do thiếu nguồn, mà một phần do chưa có sự quan tâm đúng mức và quyết liệt từ cấp ủy chi bộ đối với công tác này.

Từ thực tế ở cơ sở chúng tôi nhận thấy hiện nay, có một lực lượng lớn người lao động của tỉnh (phần đông là lực lượng trẻ) đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nhưng hộ khẩu và sinh hoạt vẫn ở nông thôn. Chính vì vậy, cùng với việc giao nhiệm vụ cho các tổ chức đảng khu vực nông thôn có các giải pháp tăng cường vận động, giáo dục chính trị, tư tưởng để thu hút lực lượng quần chúng này vào Đảng thì các cấp ủy Đảng cần chú trọng hơn nữa đến việc đẩy mạnh phát triển Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khi đã được kết nạp vào Đảng, các ĐV này vừa là công nhân, nhưng cũng vẫn ở nông thôn, tham gia các hoạt động, phong trào ở nông thôn. Có thể nhiều chi bộ nông thôn hiện nay khó khăn về nguồn bồi dưỡng kết nạp nhưng không phải không có. Thực tế cho thấy, nếu nơi nào cấp ủy thật sự quan tâm, các đồng chí bí thư chi bộ, chi ủy viên, đảng viên tâm huyết, gương mẫu thì vẫn làm tốt công tác phát triển Đảng.

Mặt khác, để đạt được chỉ tiêu phát triển Đảng căn cứ kế hoạch, chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cần xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển ĐV phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó phải có số lượng cụ thể và giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức đảng trực thuộc. Tập trung làm tốt công tác phát triển ĐV, nhất là ở các chi bộ xóm, phố, các doanh nghiệp, nơi chi bộ còn sinh hoạt ghép và nơi có ít ĐV; đặc biệt quan tâm phát triển ĐV là đoàn viên, thanh niên, chủ doanh nghiệp, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự…

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/phat-trien-dang-vien-moi-can-nhung-giai-phap-tong-the-can-co-279003-97.html