Phát triển, đa dạng hóa sắc màu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh

Đứng trước sự náo nhiệt, xô bồ của nhịp sống hiện đại; cũng như nhiều giá trị văn hóa khác, nghệ thuật sân khấu truyền thống luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Bởi vậy, để những tinh hoa văn hóa dân tộc không bị mai một, thất truyền, công tác phục hồi, lưu giữ và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống trở thành yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tham gia biểu diễn vở chèo “Vòng vây nghiệt ngã”. Ảnh: CTV

Vốn được xem là mảnh đất của những tinh hoa văn hóa hội tụ; trong cái danh giá ngàn đời ấy của xứ Thanh có một phần đóng góp quan trọng của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, cải lương và đặc biệt là chèo. Giữa bối cảnh các bộ môn nghệ thuật truyền thống phải gồng mình chống đỡ trước sự xâm lấn ồ ạt của các luồng văn hóa ngoại lai, mạng xã hội và vô số chương trình vui chơi, giải trí “mọc lên như nấm”, phủ sóng khắp màn ảnh nhỏ... Xứ Thanh vẫn luôn nỗ lực đi tìm lời giải cho bài toán khó: Giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống. Và đó là một trong những nguyên cớ làm nên sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa.

Trên cơ sở sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật: Tuồng, chèo và cải lương; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa có chức năng, nhiệm vụ là tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hồi và tổ chức biểu diễn các tiết mục, vở diễn chèo, tuồng, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ Thanh Hóa; tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ; tham gia các lễ hội, hội diễn... nhằm góp phần phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của tỉnh và quốc gia. Ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đã xác định thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Minh Chính, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chân thành chia sẻ: “Việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật là xu thế tất yếu, phù hợp với yêu cầu, sự phát triển chung của xã hội. Với sự ra đời của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, tôi tin rằng sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp, phát huy tối đa nguồn nội lực, nâng tầm vị thế của nghệ thuật sân khấu truyền thống xứ Thanh”.

Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian để thích nghi, hoàn thiện. Vì thế, bên cạnh những thuận lợi, ban lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên nhà hát đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Một trong những nỗi lo thường trực, kể cả trước hay sau khi sáp nhập nhà hát, đó là nguồn ngân sách. Nếu như trước đây, khi còn hoạt động độc lập, hằng năm, các đoàn luôn xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và được cấp kinh phí dựng vở, ít nhất mỗi đoàn có thể dựng 1 vở/năm. Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập, kinh phí dựng vở bị hạn chế khiến cho các hoạt động nghệ thuật sân khấu truyền thống vốn đã ít ỏi nay lại càng “co lại”. Phần lớn các hoạt động của nhà hát hiện nay chủ yếu tập trung cho hội diễn, sự kiện chính trị nên các nghệ sĩ vẫn chưa thực sự được cống hiến, sống trọn với đam mê, không khí của nghề. Bên cạnh đó, ngoài các đoàn nghệ thuật: Tuồng, chèo, cải lương, nhà hát có tổ chức đoàn dân ca dân vũ. Vốn được xem là kết tinh các giá trị đặc sắc của văn hóa dân gian xứ Thanh nhưng nguồn kinh phí dành cho đoàn dân ca dân vũ do nhà hát tổ chức cũng rất “eo hẹp”; nguồn nhân lực được tuyển chọn từ các đoàn nghệ thuật khác nên ít nhiều có sự “chênh”, “phô” về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi đó, nhà hát là đơn vị nghệ thuật còn non trẻ, đang trong quá trình ổn định công tác tổ chức, hoạt động... Trụ sở làm việc hiện tại được bàn giao, tiếp nhận lại cơ sở vật chất trường học nên chưa thực sự phù hợp với các hoạt động của nhà hát, cần phải có kinh phí và thời gian sửa chữa, cải tạo lại nhiều...

Khó khăn, thử thách là thế nhưng với niềm đam mê, sáng tạo, tinh thần hăng say lao động, cống hiến vì nghệ thuật, ban lãnh đạo, các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã nỗ lực phấn đấu, quyết tâm gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Ngoài việc tiếp tục ổn định tổ chức, bổ sung nguồn nhân lực, tích cực học hỏi, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, nhà hát luôn chủ động bám sát từng sự kiện chính trị của đất nước, tỉnh Thanh Hóa để có thể xây dựng được những chương trình, vở diễn, tiết mục hay phục vụ công chúng. Trong năm 2019, nhà hát đã tổ chức biểu diễn được 600 buổi; trong đó có 3 chương trình, vở diễn, tiết mục mới được dàn dựng; 4 chương trình, vở diễn, tiết mục được phục hồi, nâng cao. Không chỉ tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ quần chúng nhân dân tại khu vực miền xuôi, nhà hát còn tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân tại khu vực miền núi. Đặc biệt, nhà hát đã tổ chức cho đoàn chèo và đoàn cải lương đi biểu diễn nhân dịp trước và trong Tết Nguyên đán 2019 phục vụ đồng bào bị thiên tai, lũ ống, lũ quét tại một số bản thuộc huyện Mường Lát và huyện Quan Hóa. Đồng thời, nhà hát đã tổ chức vận động cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên trong đơn vị quyên góp, trao tặng 100 phần quà cho các hộ nghèo tại các bản nêu trên.

Có thể nói, năm 2019 là năm mà Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa gặt hái được nhiều thành công rực rỡ. Trung tuần tháng 5 – 2019, tại TP Thanh Hóa, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 được tổ chức với quy mô lớn; quy tụ hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật tuồng, dân ca kịch trên cả nước tranh tài. Vở tuồng “Triết vương Trịnh Tùng” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa biểu diễn đã đạt thành tích xuất sắc với: 1 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 1 giải nghệ sĩ xuất sắc; được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Nói về thành công của vở diễn này, NSƯT Nguyễn Minh Chính, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa không giấu nổi niềm vui, tự hào xen lẫn xúc động. Bởi lẽ, chính anh là người đảm nhận vai chính – Triết vương Trịnh Tùng của vở diễn. Anh chia sẻ: “Đó là quả ngọt được đáp trả sau nhiều nỗ lực tập luyện; là mồ hôi, nước mắt, tâm huyết của biết bao con người”.

Tiếp nối thành công của bộ môn nghệ thuật Tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa tiếp tục gặt hái thành công với vở diễn “Vòng vây nghiệt ngã” tại Liên hoan Chèo toàn quốc - 2019 được tổ chức tại Bắc Giang. “Vòng vây nghiệt ngã” là tiếng chuông cảnh tỉnh lương tâm, đạo đức con người; nhất là đối với những kẻ ham lợi nhuận trước mắt mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng, nhẫn tâm “đầu độc” chính đồng bào, người thân của mình bằng những loại hóa chất độc hại. Xoáy sâu vào vệ sinh an toàn thực phẩm, sân khấu hóa một trong những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, “Vòng vây nghiệt ngã” xuất sắc giành: 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc cá nhân, tập thể Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa được Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen.

Tuy khó khăn nhưng vẫn luôn kiên trì bước tiếp; tuy thành công nhưng không ngừng phấn đấu – đó là quyết tâm mà công chúng yêu mến, quan tâm đến các hoạt động của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa có thể cảm nhận được rất rõ. NSƯT Nguyễn Minh Chính, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chân thành chia sẻ: “Trước những sức ép của nền kinh tế thị trường, mỗi vùng, miền, quốc gia, dân tộc đều luôn trăn trở làm sao để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – nghệ thuật truyền thống. Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ được các đơn vị nghệ thuật truyền thống là nỗ lực đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân”. Sự ra đời và phát triển của nhà hát tạo nên bức tranh tổng hòa, góp phần tiếp lửa cho hoạt động bảo tồn, đa dạng hóa sắc màu nghệ thuật truyền thống xứ Thanh.

Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phat-trien-da-dang-hoa-sac-mau-nghe-thuat-truyen-thong-xu-thanh/112601.htm