Phát triển công trình xanh bảo đảm nguồn nước và không khí

Chiều ngày 22/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm 'Nước và không khí trong phát triển công trình xanh' do Tập đoàn Capital House phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức.

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: LP

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: LP

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, thời gian qua khi chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sạch nhiễm dầu vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà. Chưa bao giờ những nguy cơ từ không khí và nước sạch lại được cảnh báo nhiều như vậy. Điều này đang làm dấy lên nỗi lo ngại không hề nhỏ trong cộng đồng, đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Đứng trước các vấn nạn ô nhiễm mà người dân đang phải đối mặt, các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm đã tập trung bàn luận, xác định rõ nguyên nhân, đặc biệt là hướng giải quyết để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và chất lượng nước hiện nay.

Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển Cộng đồng cho biết, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận bởi nó gắn liền với sự sống của con người và sự phát triển của đất nước.

Chỉ ra những nguyên nhân chính khiến chất lượng môi trường xuống cấp, bà An cho rằng, các cấp các ngành phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân.

Bản thân chủ doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân là phải đảm bảo môi trường sống cho họ.

“Luật pháp liên quan đến môi trường, công trình xanh đã có tương đối nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt. Chúng ta vẫn giải quyết được nhưng phải quyết liệt và từng bước. Những doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn thì mới cho phát triển, còn không thì phải cho dừng lại ngay. Có như vậy thì môi trường sống mới có thể trong sạch”, bà An nhấn mạnh.

Cũng theo bà An, có lẽ phải có giám sát của Quốc hội các vấn đề liên quan đến nước bắt đầu từ quy hoạch, sau đó là chất lượng nước. Đây là những việc lớn nhưng chưa làm được, vì không có giám sát, kiểm tra mà cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Trong quá trình chỉ đạo kinh doanh, vì nước là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. “Đến giờ khi vụ việc sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng. Đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà đây là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Đáng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho cục nào hay sở nào là phải báo cáo, nhưng thực tế là không báo cáo. Tôi nghĩ không phải chỉ có sự việc sông Đà, có thể là cả những nơi khác nữa, nhưng chuyện này hãy để cho cơ quan quản lý trả lời”, bà An nhấn mạnh.

Liên quan đến tình trạng cây xanh trong các khu đô thị hiện nay đang bị thiếu và bó hẹp, các chuyên gia cho rằng, ngay tại các khu đô thị, khu dân cư cần trang bị các hệ thống đo chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước thông tin đến người dân hàng ngày. Từ đó, đưa ra các cảnh báo khi chất lượng không khí, chất lượng nước có diễn biến xấu để cư dân chủ động có các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Tổng Giám đốc Công ty D&L Hoàng Dũng - đơn vị sở hữu PAM Air cho biết, muốn giảm thiểu được ô nhiễm không khí, trước hết, phải biết không khí đang ở trong hiện trạng nào. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc lắp đặt các thiết bị quan trắc có thể theo dõi chất lượng nước và không khí trong thời gian thực đang được áp dụng nhiều ở các nước phát triển để cảnh báo cho người dân mà không mất nhiều thời gian và công sức.

“Nếu áp dụng hệ thống máy lọc nước vào trong cuộc sống thì chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm thiểu đi được nhiều sự cố, ví dụ như việc nước sông Đà bị nhiễm dầu vừa rồi”, ông Hoàng Dũng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề nguồn nước, người ta thường nói rằng để đảm bảo được chất lượng nguồn nước thì hãy sử dụng nguồn nước ngầm làm đầu vào cho các nhà máy nước. Nhưng, hiện nay, các nhà máy mới xây lại sử dụng nguồn nước mặt, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng về nguyên tắc, dùng nước ngầm để xử lý, cung cấp nước sạch. Với điều kiện của Việt Nam thì nguồn nước ngầm sắp cạn kiệt do đó phải dùng nước mặt. Tuy nhiên, về mặt kinh tế thì lấy nước ngầm đắt hơn nước mặt.

“Nên có sự kiểm tra, đánh giá thực chất. Hình thành những tiêu chí mà doanh nghiệp nào thực hiện theo tiêu chí ấy tức là phục vụ cho cộng đồng, cho cuộc sống người dân thì nên có cơ chế hỗ trợ về thuế, về đất và công khai điều đó ra. Những công trình khác chỉ chen chung cư cao ngất ngưởng giữa Hà Nội để đạt mục đích lợi nhuận thì nên công khai danh tính và có biện pháp xử lý, thậm chí bắt ngừng kinh doanh. Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, vì họ luôn hướng tới: Lấy chất lượng sống của người dân là mục tiêu phấn đấu, phát triển”, bà An chia sẻ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi để làm rõ hơn về hệ thống lọc nước - khả năng hạn chế nước bẩn ra sao. Với các dự án người dân đã vào ở thì làm thế nào để biến nó thành công trình xanh hay những yếu tố làm môi trường nóng hơn…

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/phat-trien-cong-trinh-xanh-bao-dam-nguon-nuoc-va-khong-khi_t114c1143n155638