Phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô

Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, hiện thực hóa thủ đô sáng tạo của TP Hà Nội

Thành ủy Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Với đề án này, bà Bùi Huyền Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết TP Hà Nội quyết tâm chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh "mềm" của văn hóa, bảo đảm việc thúc đẩy mạnh mẽ sự kế thừa và phát triển về văn hóa sáng tạo của thủ đô.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Nói về ý nghĩa của đề án trên, bà Mai nhấn mạnh đây cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội chính thức được công nhận là "thành phố sáng tạo" để hiện thực hóa, phát triển các ngành văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phố đi bộ Hồ Gươm đang dần trở thành nét văn hóa ở TP Hà Nội .Ảnh: THẾ HUỲNH

Phố đi bộ Hồ Gươm đang dần trở thành nét văn hóa ở TP Hà Nội .Ảnh: THẾ HUỲNH

Bên cạnh tiềm năng, cơ hội thì cũng còn những khó khăn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa tại thủ đô. Đó là các thách thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới. Việc thiếu cơ chế phối hợp bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa cùng tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra khiến thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thủ đô.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) - cho rằng đã 2 năm, TP Hà Nội được UNESCO công nhận là "thành phố sáng tạo" nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Ngay cả "công nghiệp sáng tạo", "công nghiệp văn hóa" là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng.

Theo ông Vinh, vấn đề mấu chốt ở đây là xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo" cho Hà Nội như thế nào? Làm thế nào để công chúng, bạn bè quốc tế công nhận chúng ta có một "thành phố sáng tạo".

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa, TP Hà Nội sẽ tập trung vào một số phần việc, trong đó có việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa; hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp.

"Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Nội mà còn góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; một mặt bảo tồn văn hóa truyền thống, mặt khác tiếp cận được giá trị văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa giúp việc cập nhật ứng dụng được cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực văn hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khác" - ông Phong nhận định.

Hiện thực hóa "thủ đô sáng tạo"

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng "thành phố sáng tạo" là một đại diện cho thương hiệu và hình ảnh của TP Hà Nội, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Sau khi TP Hà Nội thành công gia nhập Mạng lưới "thành phố sáng tạo", UNESCO đã làm việc với lãnh đạo thành phố và trung ương để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành "thủ đô sáng tạo". Trong đó, UNESCO phối hợp với các đối tác là UN Habitat, UNIDO và với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO đã phát triển dự án (3 năm) "Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho thủ đô sáng tạo Hà Nội" với khẩu hiệu "Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội".

Chỉ ra những thách thức của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa - như rào cản chính sách, cơ chế phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả... - PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gợi mở một số chính sách, trong đó có việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học - công nghệ cho các ngành công nghiệp văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa; tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút nguồn vốn hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo; triển khai quyết liệt chương trình hành động của TP Hà Nội đã cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), nhìn nhận con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo và duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo, bắt đầu từ trẻ em được giáo dục sáng tạo. TP Hà Nội cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo.

Ngoài ra, TP Hà Nội cần tạo ra các trung tâm sáng tạo kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người. Đồng thời thúc đẩy giáo dục mở - nhà trường sáng tạo - trên nền tảng hợp tác doanh nghiệp - xã hội. Từ nhà trường, thông qua giáo dục và đào tạo người học để tác động tới các đối tượng liên quan.

Cần những chính sách đột phá

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng là một địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách đột phá để tạo ra không gian sáng tạo, môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ha-noi/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-thu-do-20210624205225713.htm