Phát triển công nghiệp quốc phòng tự lực và hiện đại

Phát huy truyền thống của ngành quân giới anh hùng, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong những thập niên qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, góp phần xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh, trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Đào Xuân Nghiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP khẳng định: "Một trong những thành tựu nổi bật của ngành CNQP nước ta là năng lực thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đã được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hiện đại hóa LLVT. Từ chỗ chỉ có các dây chuyền sản xuất, sửa chữa cũ kỹ, lạc hậu, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, thời gian gần đây ngành CNQP đã được đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất, sửa chữa hiện đại".

Tìm hiểu thực tế tại các cơ quan, nhà máy của tổng cục, chúng tôi nhận thấy, bằng các chính sách thu hút nhân lực hợp lý, kết hợp đào tạo và tự đào tạo, hiện nay, Tổng cục CNQP đang có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chất lượng cao, nhiều chuyên gia hàng đầu về CNQP. Với sự đầu tư đồng bộ cả về máy móc, con người, ngành CNQP trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân; đạn pháo cho lục quân, phòng không và hải quân; radar cảnh giới, máy thông tin, phương tiện tác chiến điện tử; một số trang bị khí tài cho các quân-binh chủng; đóng tàu pháo, tàu tên lửa và các loại tàu bổ trợ khác. Đặc biệt, ngành CNQP đã tự chủ, bảo đảm được hầu hết các loại thuốc phóng, thuốc nổ, vật tư kim loại cho sản xuất đạn dược, đang nghiên cứu để từng bước tự chủ bảo đảm thép chế tạo nòng súng.

 Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan các sản phẩm VKTBKT do Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) nghiên cứu, sản xuất.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan các sản phẩm VKTBKT do Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) nghiên cứu, sản xuất.

Đến Nhà máy Z189, chúng tôi được chỉ huy đơn vị cho biết, hiện nay, công nghệ đóng tàu của nhà máy và các cơ sở đóng tàu của quân đội đã đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Vừa qua, nhà máy đã sản xuất và hạ thủy thành công tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu, trang bị cho Quân chủng Hải quân. Ngoài công nghiệp đóng tàu, được biết, năm 2018, lần đầu tiên chúng ta đã đưa một số vũ khí, khí tài do ngành CNQP sản xuất tham dự triển lãm quốc phòng tại Indonesia, được các đối tác nước ngoài đánh giá cao, qua đó khẳng định khả năng vươn ra thị trường thế giới của CNQP Việt Nam.

Trong hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới, ngành CNQP cũng đã đạt được kết quả tích cực. Qua thống kê cho thấy, hơn 80% các loại VKTBKT do CNQP sản xuất, sửa chữa lớn hiện nay là nhờ kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của toàn ngành trong 10 năm qua. Các danh mục sản phẩm do CNQP sản xuất cung cấp cho các đơn vị đã tăng gấp hai lần, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang bị và yêu cầu hiện đại hóa của các LLVT. Đặc biệt, vừa qua, các cơ quan, đơn vị của Tổng cục CNQP đã nghiên cứu chế tạo thành công một số loại vũ khí thế hệ mới, hiện đại, như: Súng và đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ; đạn xuyên giáp các loại; đạn cối mẫu mới có độ chính xác, uy lực cao hơn; khí tài ngắm bắn, quan sát ban đêm; vật liệu ngụy trang chống được trinh sát quang học, radar, ảnh nhiệt; máy thông tin liên lạc thế hệ mới; radar cảnh giới; phương tiện tác chiến điện tử...

Theo Thiếu tướng Đào Xuân Nghiệp, thời gian tới, ngành CNQP sẽ tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm kỷ luật thiết kế, kỷ luật công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, bảo đảm tiến độ, chất lượng và an toàn tuyệt đối. Tổng cục xác định tự nghiên cứu chế tạo là chủ yếu, chỉ nhập khẩu các công nghệ cần thiết mà mình không tự làm được; đồng thời, chỉ nhập khẩu ban đầu để tạo nền tảng tự nghiên cứu phát triển vũ khí mới, hiện đại. Ngành CNQP tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng công nghệ lưỡng dụng để vừa nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, vừa tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu, hòa nhập sâu hơn vào nền công nghiệp quốc gia, trong đó, phấn đấu một số lĩnh vực CNQP phải là mũi nhọn, như: Cơ khí siêu chính xác, vật liệu mới, hóa nổ, đóng tàu, điện tử, công nghệ thông tin... Trước mắt, tổng cục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, từng bước áp dụng rộng rãi thương mại điện tử để mở rộng thị trường; phát huy tối đa thành tựu của nền kinh tế quốc dân phục vụ sản xuất VKTBKT quân sự. Quá trình sản xuất, toàn ngành sẽ huy động hiệu quả sự tham gia của khoa học công nghệ quốc gia, công nghiệp dân sinh cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương...

Bài và ảnh: KHÁNH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-tu-luc-va-hien-dai-608190