Phát triển công nghiệp hỗ trợ vùng trọng điểm phía nam

Thời gian qua, nhiều địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Dư địa để phát triển CNHT rất lớn, là cơ hội vàng cho các DN nắm bắt thời cơ và bứt phá, vượt lên chính mình để phát triển mạnh mẽ.

Sản xuất động cơ điện tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai).

Sản xuất động cơ điện tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai).

Thời gian qua, nhiều địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), góp phần gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Dư địa để phát triển CNHT rất lớn, là cơ hội vàng cho các DN nắm bắt thời cơ và bứt phá, vượt lên chính mình để phát triển mạnh mẽ.

BÀI 1: Khai thác tiềm năng, tận dụng cơ hội

Vùng “lõi” của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, phát triển năng động nhất nước ta là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… ngày càng có nhiều DN tham gia vào các ngành CNHT chế biến, chế tạo. Tuy vậy, nhìn toàn cục, ngành CNHT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong nước, chưa có được vị trí trong chuỗi sản xuất, trở thành một “mắt xích” trên phạm vi toàn cầu.

Chuyển biến tích cực

Những ngày đầu tháng 11 này, các nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần cao-su Thái Dương nằm trong khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo và KCN Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh) đang hoạt động hết công suất để “ra lò” các loại sản phẩm cao-su kỹ thuật đáp ứng mục tiêu xuất khẩu. Với hơn 20 loại gioăng cao-su đặc chủng phục vụ cho các ngành: cấp, thoát nước, dầu khí, các thiết bị trong khai thác mỏ, sản phẩm ô-tô, sản phẩm công cụ trong sân bay,… DN Thái Dương đã xuất khẩu trực tiếp từ 70% đến 80% sản phẩm sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a,… Ông Hoàng Ngọc Yến, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cao-su Thái Dương cho biết: Trong tình hình chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản phẩm CNHT phục vụ nhu cầu thiết yếu đã giúp các nhà máy của công ty duy trì hoạt động khá ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho hơn 300 công nhân kỹ thuật, mức tăng trưởng bình quân khoảng 10 đến 15%/năm.

Khoảng 30 năm qua, nhiều người biết đến Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh nằm trên địa bàn quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) là một trong những DN có tiếng trong lĩnh vực cơ khí chính xác ở Việt Nam. Hiện, với đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề cùng thiết bị, máy móc hiện đại, điều khiển bằng chương trình số, sản phẩm của công ty đã đáp ứng tốt yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT cho Tập đoàn Techtronic Industries Co. Ltd (TTI), nhà sản xuất thiết bị điện công nghiệp không dây thông minh hàng đầu thế giới. Để cung ứng các sản phẩm cho TTI, Duy Khanh đầu tư thêm nhà máy tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP). Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh, Trương Vân Tiên cho hay: Hướng đến khách hàng như TTI, nhà máy tại SHTP được công ty đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện phụ tùng máy từ bột kim loại (thiêu kết bột kim loại). Hiện ở Việt Nam, Duy Khanh là DN đi đầu ứng dụng công nghệ này, qua đó giúp đơn vị phát triển hơn nữa các sản phẩm khuôn mẫu kỹ thuật cao và dòng sản phẩm từ bột kim loại thiêu kết,…

Tại tỉnh Đồng Nai, song hành với các DN FDI, nhiều DN trong nước đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty TNHH Tương Lai (huyện Long Thành) chuyên sản xuất các sản phẩm, linh kiện bằng nhựa, cao-su lắp ráp xe máy, ô-tô, khuôn mẫu và một số hàng chuyên dụng khác, mỗi năm sản xuất và cung ứng khoảng hai triệu sản phẩm, linh kiện ở trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản. Còn Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (TP Biên Hòa) sản xuất sản phẩm CNHT cơ khí với năng lực sản xuất lên tới 150 tấn sản phẩm/tháng. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh đã kiên trì thực hiện thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Trong tổng số nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực CNHT. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 DN sản xuất lĩnh vực CNHT; trong đó, hơn 500 DN FDI, còn lại là DN trong nước. Đồng Nai được xem là nơi cung ứng sản phẩm CNHT lớn của cả nước. Hầu hết các tập đoàn lớn của thế giới về lĩnh vực CNHT đã có mặt tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, CNHT đã thu hút 20% số lao động, đóng góp hơn 21% trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và 52% cơ cấu xuất khẩu ngành công nghiệp của Đồng Nai.

Tận dụng tốt cơ hội để phát triển

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dư địa để phát triển CNHT tại tỉnh Bình Dương rất lớn. Theo khảo sát của Sở Công thương tỉnh mới đây, trên địa bàn có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT; nếu tận dụng tốt cơ hội cung ứng linh kiện, sản phẩm cho các DN này thì thị trường rất phong phú. Chia sẻ về tiềm năng lớn của CNHT ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA) Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Minh Phát 2 cho biết: Bình Dương có ngành gỗ phát triển rất mạnh với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 50% cả nước. CNHT đối với ngành gỗ là rất quan trọng nhưng hiện nay lĩnh vực này chưa mạnh khiến nhiều thứ phục vụ nhu cầu sản xuất phải nhập từ nước ngoài. Ngay cả như da và vải, dù Việt Nam có ngành da giày và may mặc rất phát triển, nhưng da và vải để bọc gỗ hầu hết phải nhập khẩu. Tôi cho rằng, ngành dệt may, da giày nếu liên kết với nhau, tìm hiểu đặc thù sản phẩm để tham gia vào hiệp hội và chuyển đổi, mở rộng thị trường cung ứng sản phẩm thì sẽ có nhiều cơ hội và đạt hiệu quả cao.

Có thể nói, cơ hội phát triển CNHT thời gian gần đây rất rộng mở cho nhiều DN trong nước khi ngày càng có nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn TTI đã triển khai các thủ tục xây dựng nhà máy tại SHTP với tổng vốn đầu tư 650 triệu USD; trong đó, thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lĩnh vực điện tử. Tập đoàn TTI có trụ sở chính tại Hồng Công (Trung Quốc), doanh thu toàn cầu năm 2019 đạt gần 7,7 tỷ USD, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Hiện, TTI có nhà máy sản xuất tại KCN Việt Nam - Xin-ga-po (Bình Dương). Để phát triển sản xuất lâu dài tại Việt Nam và tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu, TTI rất muốn tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm CNHT trong nước hướng đến mục tiêu chiếm khoảng 80% trong chuỗi cung ứng cho TTI trong vài năm tới. Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu Tập đoàn TTI cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các nhà cung cấp các sản phẩm CNHT của Việt Nam và tin họ sẽ đáp ứng được, trở thành một phần trong chuỗi cung cấp sản phẩm cho TTI”.

Theo Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh Trương Vân Tiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT rất muốn mở rộng sản xuất, đầu tư các dây chuyền hiện đại nhưng hầu hết đều gặp khó khăn về vốn. Duy Khanh xây dựng được nhà máy ở SHTP nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 100% vốn vay ngân hàng với thời hạn bảy năm theo tinh thần Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND ngày 8-10-2018 của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của thành phố giai đoạn 2018 - 2020. “Do đầu tư với số vốn lớn và sản xuất các sản phẩm đặc thù, sản phẩm kỹ thuật cao cho nên chúng tôi rất mong muốn có được sự cam kết bước đầu từ nhà nhận cung ứng sản phẩm cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Được như vậy, các DN trong lĩnh vực CNHT sẽ mạnh dạn nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, cung ứng sản phẩm cho DN FDI, góp phần cho ngành CNHT Việt Nam phát triển hơn”, bà Trương Vân Tiên chia sẻ. PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết: “Do tác động của đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu cũng như các sản phẩm CNHT nhập khẩu cho nên đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây là cơ hội tốt để các DN ngành CNHT trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần đầu tư dây chuyền, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cho các DN FDI. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu xem xét, có cơ chế thuận lợi giúp các DN ngành CNHT mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất, nếu chậm, DN sẽ tuột mất cơ hội. Hạn chế nhất của các DN trong nước là năng suất và chất lượng”.

Để tạo điều kiện, hỗ trợ DN ngành CNHT trong nước nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tham gia vào mạng lưới cung ứng sản xuất toàn cầu cho các DN FDI, mới đây, SHTP đã ký kết thỏa thuận phối hợp liên kết vùng, triển khai chương trình CNHT với các Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX), KCN của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các đơn vị cùng nhau xây dựng hệ sinh thái DN CNHT có tính liên kết mạnh, phát huy các nguồn lực và tiềm năng của DN trong nước để thúc đẩy sự hợp tác kinh doanh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của các tập đoàn nước ngoài đang có hoạt động đầu tư tại vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, hỗ trợ cung cấp thông tin về hoạt động các DN giữa SHTP với các KCN, khu kinh tế; hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam tại SHTP và các KCN tìm kiếm nhu cầu hợp tác với các DN FDI, nhất là các tập đoàn công nghệ quốc tế để đi sâu vào chuỗi cung ứng CNHT cho các tập đoàn công nghệ quốc tế. Cùng với đó, trao đổi thông tin và chia sẻ các kế hoạch hoạt động định hướng hằng năm về phát triển về CNHT giữa SHTP với các KCX, KCN các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

(Còn nữa)

Bài, ảnh: LÂM BÌNH và TÂN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-vung-trong-diem-phia-nam-623691/