Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Phú Thọ: Đủ điều kiện cần thiết

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại tỉnh Phú Thọ có xu hướng tăng mạnh. Đây là điều kiện cần thiết, thúc đẩy ngành CNHT trên địa bàn bứt phá.

Nhiều tiềm năng

Theo số liệu do Sở Công Thương Phú Thọ, năm 2019, trên địa bàn có 70 cơ sở và 180 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, hoặc có liên quan đến CNHT. Các nhóm ngành chủ yếu là dệt may; da giày; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất - phân bón; thiết bị điện - điện tử; chế biến gỗ - giấy; chế biến thực phẩm - đồ uống; chế biến nông sản…

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, tại địa phương đã có một số cơ sở, DN đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT cơ khí, chế tạo, bước đầu đã có thương hiệu, tạo được lòng tin và chỗ đứng trên thị trường, như: Phụ tùng, linh kiện lắp ráp ôtô, xe máy của Công ty TNHH công nghệ COSMOS 1.

Dù có nhiều tiềm năng, song ngành CNHT của tỉnh còn khá non, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất tại địa phương. Dẫn đến tình trạng, các DN trên địa bàn sử dụng nhiều sản phẩm CNHT từ bên ngoài, trong khi những sản phẩm CNHT sản xuất tại địa phương ít được quan tâm. Do thiếu và yếu về chủng loại cũng như chất lượng sản phẩm.Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp cơ bản còn khá yếu và cũng đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như: Sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, làm cho chi phí đầu vào của các DN khá cao.

Khuyến khích đầu tư vào CNHT

Với ưu thế là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền núi phía Bắc, là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với đĐồng bằng sông Hồng, Phú Thọ đang trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ. Trong đó, ngành CNHT cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong Chương trình Phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ đã đặt ra mục tiêu, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển CNHT, làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện chương trình này, tới đây, Sở Công Thương Phú Thọ sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ DN CNHT, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm CNHT; tổ chức các diễn đàn giữa DN CNHT trên địa bàn tỉnh với các DN trong và ngoài nước; hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm CNHT; hỗ trợ khảo sát tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước…

“Đặc biệt, sẽ hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý, yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, sản xuất. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025, CNHT sẽ góp phần tăng 20 -25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-tai-phu-tho-du-dieu-kien-can-thiet-130596.html