Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày: Hóa giải hai điểm mấu chốt

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành da giày để chủ động chuỗi sản xuất đang là vấn đề được Bộ Công Thương và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) bàn thảo. Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ phát triển ngành CNHT nói chung và CNHT trong lĩnh vực da giày nói riêng, song hiệu quả triển khai chưa được mong đợi. Theo bà, đâu là điểm khó khi thực hiện chính sách này?

Công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày không nên chỉ tập trung vào một vài chủng loại sản phẩm

Công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày không nên chỉ tập trung vào một vài chủng loại sản phẩm

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT ra đời và đang được Bộ Công Thương tiến hành sửa đổi cho phù hợp với thực tế, điều đó cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với phát triển CNHT cho các ngành xuất khẩu (XK) then chốt của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách phát triển CNHT đang dàn trải ở quá nhiều lĩnh vực mà mỗi ngành nghề lại có một đặc điểm riêng. Theo đó, tính phù hợp cũng như để khai thác được hết thế mạnh của các ngành nghề chưa thỏa đáng, đó chính cũng là bất cập của chính sách phát triển CNHT hiện nay.

Do vậy, để phát triển CNHT cần xem xét kỹ lưỡng và thực tế hơn đối với đặc thù của từng ngành. Ví dụ, nên xếp những ngành có tính tương đồng cao vào một nhóm, như ngành dệt may, da giày để xây dựng chính sách thì sẽ phù hợp hơn là đưa chính sách phát triển CNHT cho nhiều ngành mà tính chất của các ngành nghề có sự khác biệt rất lớn. Nếu như giải quyết được bài toán đó thì tôi nghĩ ngành CNHT nói chung cũng như CNHT của ngành da giày nói riêng sẽ phát triển tốt hơn trong giai đoạn tới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso

Bà có đề xuất cụ thể gì để phát triển CNHT cho ngành da giày?

Da giày là ngành công nghiệp thời trang, đây cũng là ngành có sự thay đổi rất nhanh và đa dạng chứ không chỉ tập trung vào một số chủng loại sản phẩm. Đơn cử, riêng nguyên liệu cho ngành da giày có hàng trăm loại, chưa kể những phát minh mới, nếu chính sách chỉ tập trung vào loại đã hiện hữu thì sẽ không thể nắm bắt kịp sự thay đổi của thời cuộc.

Hay doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo có thể tạo ra những vật liệu mới chưa có chuẩn nào, nhưng lại nắm bắt thị trường rất nhanh. Vì vậy, nếu chúng ta có chính sách tốt sẽ thu hút được công nghệ để sản xuất và phát triển loại vật liệu đó, hoặc khuyến khích được các startup tạo ra những nguyên liệu mới. Theo tôi, chính sách nên tập trung chủ yếu vào yêu cầu hơn là quy định quá ngặt nghèo về các tiêu chuẩn cụ thể, bởi điều này sẽ hạn chế, bó hẹp sự sáng tạo trong phát triển CNHT ngành da giày.

Hiện, Bộ Công Thương đang cùng Lefaso xây dựng chiến lược cho phát triển ngành CNHT cho ngành da giày, đồng thời sửa đổi Nghị định số 111. Với quan điểm đặt CNHT trong các điều kiện và yêu cầu của thị trường, tôi hy vọng sẽ tạo ra định hướng phù hợp và sát với thực tiễn phát triển của ngành CNHT.

Thưa bà, đâu là điểm nhấn của chiến lược phát triển ngành da giày và vấn đề phát triển thị trường, phát triển nguyên, phụ liệu được định hướng ra sao trong thời gian tới?

Chiến lược phát triển ngành da giày đang được bàn thảo nên khó có thể chỉ ra đâu là điểm nhấn. Tuy nhiên, có thể thấy nguồn gốc, xuất xứ không phải là vấn đề khó, mà lao động và công nghệ mới là 2 vấn đề yếu kém của ngành cần giải quyết triệt để.

Thực tế lao động và công nghệ có tác động qua lại với nhau, có thể giải quyết bài toán thiếu lao động bằng máy móc, công nghệ, tuy nhiên không phải DN nào cũng có thể làm được, nhất là với DN nhỏ và vừa, bởi nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao luôn là điểm yếu. Vì vậy, điều tiết chính sách hợp lý luôn là vấn đề quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, nguyên liệu không còn bức xúc như 3 tháng đầu năm. Hiện, DN vẫn có nguyên liệu để tiếp tục sản xuất đơn hàng, nhưng khó khăn là thiếu đơn hàng XK. Nếu tình hình không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Giải pháp cho vấn đề này là, cả DN và nhà nước cùng thực hiện các giải pháp để bảo vệ việc làm và đời sống cho người lao động. Mặt khác, DN cũng cố gắng giữ công nhân để tiếp tục sản xuất khi thị trường và đơn hàng khôi phục trở lại.

Xin cảm ơn bà!

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Lefaso:

Phát triển CNHT ngành da giày không thể thực hiện trong một sớm một chiều nhưng đó là điều phải làm, nhằm chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu, đồng thời tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-nganh-da-giay-hoa-giai-hai-diem-mau-chot-136896.html