Phát triển công nghệ thông tin để hội nhập quốc tế

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là ở khía cạnh phát triển CNTT (gồm cả ngành công nghiệp điện tử).

Công nhân Công ty Nidec Corporation (Khu Công nghệ cao thành phố) sản xuất linh kiện điện tử.

Công nhân Công ty Nidec Corporation (Khu Công nghệ cao thành phố) sản xuất linh kiện điện tử.

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là ở khía cạnh phát triển CNTT (gồm cả ngành công nghiệp điện tử).

Theo thống kê của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2019, thành phố có 165 doanh nghiệp (DN) phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và các DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực này đang hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), trong đó có 53 DN nước ngoài và 112 DN trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 2.634 tỷ đồng. Các DN đã xây dựng và cung cấp ra thị trường hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia. Nổi bật như tại Khu Công nghệ phần mềm - Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP), hiện nay có khoảng 80 DN đang hoạt động với khoảng 1.200 người đang làm việc; tương tự, Khu Công nghệ cao thành phố (SHTP) thời gian qua hoạt động sản xuất, đầu tư của các DN ổn định, khả quan với 162 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư tương đương 7,9 tỷ USD, trong đó vốn FDI là 5,9 tỷ USD. Năm 2019, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 17 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch; chiếm hơn 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố và tạo ra 32 nghìn việc làm lao động chất lượng cao.

Ðặc biệt, làn sóng đầu tư này cũng tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử thường xuyên cải tiến, cập nhật, ứng dụng công nghệ mới. Theo UBND thành phố, năm 2019, ngành sản xuất hàng điện tử trên địa bàn tăng 20,7% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 22% trong bốn ngành trọng yếu và chiếm 14,91% trong toàn ngành công nghiệp. Ngành điện tử tăng trưởng nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngành điện tử có xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam nhờ hiệu ứng tích cực từ những cải cách thể chế, những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội cho các DN công nghiệp hỗ trợ, các DN điện tử, nhất là các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực này. Ðây là ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhằm bắt kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ. Thành phố hiện có 364 cơ sở, trong đó có 348 DN, đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này.

Thời gian tới, để các ngành CNTT phát triển tốt hơn nữa, thành phố sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Ðề án Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; trong đó tập trung triển khai xây dựng bốn trung tâm (Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm an toàn thông tin). Ðồng thời, nghiên cứu phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế tri thức. Cùng với đó, xây dựng và triển khai Ðề án chuyển đổi số nhằm tận dụng tốt nhất những tiến bộ, phát triển của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo...

Ngoài ra, nghiên cứu các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Thành phố cũng đề xuất điều chỉnh Luật Công nghệ thông tin và Nghị định số 154/2013/NÐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung; ban hành và hướng dẫn triển khai Ðề án chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thêm quy định tăng tính chủ động cho thành phố trong việc triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ nhu cầu quản lý của địa phương và kết nối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng trao đổi dữ liệu tự động…

Bài và ảnh: HÀ CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44303202-phat-trien-cong-nghe-thong-tin-de-hoi-nhap-quoc-te.html