Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập sáng 9/7, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian'. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, việc tổ chức hội thảo là rất hữu ích vì mục tiêu phát triển bền vững ngành Đo đạc và Bản đồ.

Hội thảo nhằm tổng kết, truyền bá những kết quả nghiên cứu khoa học mới và khẳng định bề dày lịch sử, truyền thống nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ nói chung và của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ nói riêng. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm vì mục tiêu xây dựng ngành Đo đạc và Bản đồ ngành một vững mạnh, phát triển bền vững và chủ động trong hội nhập quốc tế.

Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Lê Anh Dũng cho biết, hiện nay, dữ liệu địa không gian ngày càng được quan tâm và ứng dụng rộng rãi ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu địa không gian vừa là nền tảng vừa là công cụ cho phát triển các hệ thống không gian.

Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Lê Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo

Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Lê Anh Dũng phát biểu tại Hội thảo

Để nhìn nhận vai trò của đo đạc bản đồ trong ngành tài nguyên và môi trường cũng như trong sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ phải đi trước một bước. Chúng ta cần nắm bắt được các phương pháp, công nghệ tiên tiến đang được nghiên cứu, ứng dụng với các xu hướng phát triển đang hình thành, những thành tưu khoa học mới đã đạt được trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phục vụ việc giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên - môi trường và bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Tại Hội thảo, nội dung đáng chú ý là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xuồng tự hành và xây dựng phần mềm đo sâu hồi âm, phần mềm RTK-IMU phục vụ tự động hóa công tác thành lập bản đồ địa hình đáy sông, biển của nhóm tác giả Lưu Hải Âu, Đặng Xuân Thủy, Phạm Thành Việt, Ngô Thủy Liên. Nghiên cứu này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và tự động hóa công tác khảo sát bản đồ địa hình đáy sông, biển; đồng thời khắc phục một số khó khăn của công nghệ truyền thống.

Tác giả Lưu Hải Âu trình bày nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xuồng tự hành và xây dựng phần mềm đo sâu hồi âm, phần mềm RTK-IMU phục vụ tự động hóa công tác thành lập bản đồ địa hình đáy sông, biển

Tại Hội thảo, nghiên cứu “ứng dụng hệ thống RIS HI-MOD trong công tác khảo sát hạ tầng kỹ thuật ngầm” của nhóm tác giả Ths Vũ Duy Tân và Ths Nguyễn Thanh Thủy, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cũng được giới thiệu sơ bộ.

Đại diện nhóm tác giả, Ths Nguyễn Thanh Thủy cho biết, ngày nay, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và các đô thị nói riêng gắn liền với xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; trong đó có hạ tầng kỹ thuật ngầm như: cáp điện, cáp quang, cáp thông tin, các công trình đường ống (đường ống cấp nước, đường ống thoát nước và các công trình cống, bể cáp kỹ thuật...). Đối với ngành tài nguyên và môi trường, nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm có liên quan đến lĩnh vực môi trường như các hệ thống xả thải ngầm...

Quang cảnh Hội thảo

Theo Ths Nguyễn Thanh Thủy, ở hai đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, qua kiểm tra của Sở Xây dựng tại 34 khu đô thị mới chỉ có 12 khu đô thị có bố trí hào kỹ thuật và thực hiện việc hạ ngầm, sử dụng chung, còn lại hầu hết bố trí đi nổi. Một số khu đô thị đã có hào kỹ thuật nhưng kích thước nhỏ và không đồng bộ, mỗi nơi một kiểu - chưa có thiết kế thống nhất. Trong khi đó, các văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng và quản lý công trình ngầm đô thị nói chung và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nói riêng đã được ban hành. Tuy nhiên, các nội dung các văn bản đó không thống nhất khiến cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm ở Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng vẫn dừng ở chỗ còn mới mẻ.

Do vậy, thiết bị Ris Hi-mod của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã sử dụng để phục vụ công tác khảo sát các công trình hạ tầng ngần và các tiện ích ngầm thời gian qua. Có thể khẳng định, thiết bị Ris Hi-mod là một phần không thể thiếu trong công tác khảo sát dò tìm và thành lập các loại bản đồ công trình ngầm trong hiện tại và tương lai, phục vụ nhu cầu của đời sống kinh tế xã hội.

Có thể nói, nội dung các bài báo khoa học sẽ góp phần đắc lực vào việc hình thành các phương hướng nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhằm đưa ra những sản phẩm mới, quy trình mới, thiết bị mới... đảm bảo cho việc thu nhận dữ liệu địa không gian chính xác hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn.

Tuyết Chinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/phat-trien-cong-nghe-do-dac-ban-do-trong-thu-nhan-du-lieu-dia-khong-gian-1271611.html