Phát triển cơ sở Đảng ở nông thôn, miền núi: Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp mới

Tỉnh Quảng Nam đã áp dụng 4 giải pháp để phát triển cơ sở Đảng ở nông thôn, miền núi và đạt kết quả cao

Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức” - HỒ CHÍ MINH

Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có 22 Đảng bộ trực thuộc với 1.152 tổ chức cơ sở Đảng, 3.215 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và 68.607 Đảng viên.

Nhân rộng cách làm hay

Trong số cơ sở Đảng của tỉnh Quảng Nam, hiện đã có 207 tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn, miền núi; 100% thôn ở nông thôn, miền núi của tỉnh đã có tổ chức Đảng và Đảng viên. Đặc biệt, các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các huyện miền núi cao như: Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My... đều có Đảng viên và chi bộ độc lập. Đảng viên ở nông thôn, miền núi tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Riêng từ đầu năm 2015 đến tháng 9-2019, khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh (loại hình tổ chức cơ sở Đảng ở xã) đã kết nạp mới được 7.826 Đảng viên. Nhiều Đảng viên mới kết nạp đã được giao tham gia quản lý hoạt động công tác Đoàn Thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân... tại địa phương, qua đó phát huy được năng lực, sở trường và có nhiều đóng góp tích cực. Đồng thời, qua đó để các cơ sở Đảng tiếp tục củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của Đảng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cán bộ kế cận cho các tổ chức cơ sở Đảng tại những vùng còn nhiều khó khăn.

Nổi bật trong công tác phát triển Đảng ở nông thôn, miền núi trên địa bàn trong thời gian qua là Đảng bộ các huyện: Tây Giang, Nam Giang... Từ cách làm hay, hiệu quả trong công tác phát triển Đảng viên ở vùng nông thôn, miền núi tại các địa phương này, Tỉnh ủy tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng để những địa phương khác học tập, góp phần nâng cao hơn nữa công tác tạo nguồn phát triển Đảng viên mới ở nông thôn, miền núi trên địa bàn.

Có được những kết quả nêu trên là do Tỉnh ủy Quảng Nam không ngừng chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển cơ sở Đảng và Đảng viên ở các cấp cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng ở nông thôn, miền núi có nơi còn gặp nhiều khó khăn, một số chi bộ liên tục mấy năm liền không phát triển được Đảng viên mới; sinh hoạt Đảng của những Đảng viên nông thôn, miền núi đi làm ăn xa hiện gặp khó khăn; một số chi bộ phát triển được Đảng viên mới nhưng số lượng hết sức hạn chế, đa phần là quần chúng lớn tuổi… Do đó, đã làm tăng bình quân tuổi của Đảng viên mới, dẫn đến nguồn cán bộ kế cận ở thôn, xã "mỏng" dần.

Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là một trong những mối quan tâm của các cơ sở Đảng ở những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Ngày hội bóng đá của các thôn bản ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 2019Ảnh: Duy Cường

Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là một trong những mối quan tâm của các cơ sở Đảng ở những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Ngày hội bóng đá của các thôn bản ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 2019Ảnh: Duy Cường

Bốn định hướng

Từ thực tế nói trên, Tỉnh ủy Quảng Nam có một số định hướng mới trong công tác phát triển Đảng ở nông thôn, miền núi thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, cần có giải pháp để từng bước thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ; từng bước thấm dần ý thức phụng sự quê hương, đất nước. Giải pháp này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở đầu tư hiệu quả của nhà nước vào nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...

Thứ hai, từng chi bộ, Đảng bộ cơ sở ở nông thôn, miền núi xây dựng tốt chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm với hệ thống giải pháp sát thực tiễn, khả thi theo lộ trình nhất định. Phải làm thật tốt việc điều tra lực lượng quần chúng ở độ tuổi thanh niên và trung niên trong các thành phần dân cư để nắm chắc số lượng, nhất là những đối tượng hội đủ các tiêu chuẩn để phát triển Đảng. Trọng tâm hướng vào thế hệ trẻ, công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, dân quân tự vệ, con em các gia đình có công với cách mạng, phụ nữ, dân tộc thiểu số.

Thứ ba, phân công Đảng viên theo dõi thường xuyên và gần gũi, lôi cuốn quần chúng vào các hoạt động tích cực, tránh xa tệ nạn, tiêu cực, đồng thời chọn lựa đối tượng, hướng dẫn, giúp đỡ để làm các thủ tục xét kết nạp Đảng khi đã đủ điều kiện…

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện, giúp đỡ Đảng viên mới trong phát triển kinh tế và quan tâm đến quyền lợi chính trị, nhất là việc hỗ trợ để họ có điều kiện học tập lý luận, chuyên môn cũng như sử dụng họ vào các công việc phù hợp; xây dựng quy hoạch để bố trí họ vào các chức danh trong hệ thống chính trị.

Có tình trạng ngại tham gia công tác xã hội

Công tác phát triển Đảng ở nông thôn, miền núi sở dĩ gặp nhiều khó khăn là do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một phần do nhận thức còn hạn chế của một bộ phận nhân dân muốn con em thoát ly để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Số ít ở lại thì yên phận hoặc chưa có nguyện vọng, động cơ phấn đấu, có tâm lý ngại vào Đảng, sợ bị ràng buộc về thời gian và các quy định của tổ chức, không muốn tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, càng không muốn nhận bất cứ công tác xã hội gì ở địa phương để vừa tránh va chạm, cũng để rảnh tay làm kinh tế; còn lại thì không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

LÊ VĂN DŨNG (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phat-trien-co-so-dang-o-nong-thon-mien-nui-ap-dung-dong-bo-nhieu-giai-phap-moi-20191124213104069.htm