Phát triển chương trình OCOP ở Đông Anh

Huyện Đông Anh có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là lợi thế để phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Khai thác lợi thế, huyện đã triển khai và đang thực hiện các bước đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho nông dân.

133 sản phẩm tham gia OCOP

Anh Đỗ Văn Cường, chủ một cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở thôn Thiết Úng, xã Vân Hà là người có đôi tay tài hoa trong nghề đục điêu khắc. Quá trình làm nghề, anh đã sáng tạo ra hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm chạm khắc tinh xảo, đặc sắc. Nhờ nghề này, gia đình có cuộc sống ngày một sung túc. Tham gia vào chương trình OCOP của huyện, anh Cường mong muốn được hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ về thị trường để phát triển hơn.

Giống như anh Cường, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội) Nguyễn Thị Huyền cho biết, với hơn 10ha sản xuất rau an toàn, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp hơn 10 tấn rau ra thị trường. “Nếu được gắn “sao” OCOP trên sản phẩm, rau của hợp tác xã sẽ có cơ hội được phân phối tại các trung tâm phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi, mang lại hiệu quả cho cả người nông dân, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng” - chị Huyền kỳ vọng.

Nghề làm tương ở làng Dục Nội (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh).

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, Đông Anh có nhiều làng nghề như: Đậu phụ làng Chài (xã Võng La), tương làng Dục Nội (xã Việt Hùng), đồ gỗ xã Vân Hà, gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm... cùng rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đặc trưng.

Để tạo động lực thúc đẩy chương trình OCOP, huyện Đông Anh đã xây dựng website: da.check.net.vn và gắn tem truy xuất QR cho gần 600 sản phẩm các loại tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhằm giám sát chất lượng sản phẩm. Huyện đã tổ chức trưng bày 20 gian hàng giới thiệu 200 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; tổ chức hội nghị triển khai chương trình OCOP cho hơn 200 đại biểu tham dự.

Hiện nay, toàn huyện Đông Anh có 133 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đến năm 2020. Riêng trong năm 2019, huyện sẽ chấm điểm phân hạng cho 33 sản phẩm để trình lên thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 “sao” đến 4 “sao” (các sản phẩm OCOP được phân làm 5 hạng, tương ứng từ 1 đến 5 “sao”, sản phẩm 5 “sao” có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế). Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, đã có hoặc đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm

Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội đã và đang đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, sản phẩm được đánh giá theo 3 tiêu chí: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm. Cụ thể, với sản phẩm và sức mạnh cộng đồng phải đáp ứng các yêu cầu như có kế hoạch bảo vệ/đánh giá tác động môi trường, có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...; về khả năng tiếp thị, ngoài các kênh bán hàng truyền thống còn có các hoạt động quảng bá sản phẩm, câu chuyện sản phẩm; về chất lượng sản phẩm, phải kiểm soát được chất lượng, có hồ sơ chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm...

Các sản phẩm của làng nghề sản xuất đậu phụ truyền thống (làng Chài, xã Võng La, huyện Đông Anh).

Tuy vậy, do mới bắt tay vào thực hiện nên các chủ thể tham gia OCOP vẫn còn một số khó khăn. Ví như, các sản phẩm tham gia OCOP của huyện còn ít so với tiềm năng; sản phẩm chưa đa dạng và chủ yếu tập trung ở nhóm ngành thực phẩm và thủ công mỹ nghệ; còn nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ/đánh giá tác động môi trường; mẫu mã bao bì một số sản phẩm còn thô sơ, đơn giản…

Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Do quy mô sản xuất của hợp tác xã còn nhỏ nên việc tiếp cận thị trường còn khó khăn. Tôi mong muốn được thành phố và huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường...”. Đây cũng là mong mỏi chung của nhiều chủ thể tham gia OCOP.

Trên địa bàn huyện Đông Anh đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư phát triển sản phẩm mới. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm ống hút bằng rau, củ của một cơ sở sản xuất tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Mạnh Dũng)

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối hiện đại, tạo chuỗi liên kết bền vững để đẩy mạnh chương trình OCOP của huyện, qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/951346/phat-trien-chuong-trinh-ocop-o-dong-anh