Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh 'sáng tươi, chiều héo': Kiến nghị từ thực tế

Dù bước đầu có những thành công về chuỗi rau an toàn nhưng kết quả phát triển chương trình trên của Hà Nội vẫn còn khá khiêm tốn.

Sản xuất rau an toàn cho lợi nhuận chưa cao

Điều này do nhiều lý do khách quan và chủ quan: Về sản xuất, quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV quá nhiều và không ngừng tăng lên làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc BVTV (gần 1.800 hoạt chất và trên 4.000 tên thương phẩm).

Các Cty, cửa hàng buôn bán thuốc BVTV liên tục quảng cáo và khuyến mại hấp dẫn, cùng với sự đa dạng và diễn biến phức tạp của sâu bệnh càng làm cho nông dân khó khăn hơn trong việc lựa chọn đúng thuốc BVTV, đặc biệt đối với các hộ chưa được tham gia lớp học đồng ruộng.

Vai trò quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP của chính quyền cấp xã rất hạn chế: Hầu hết chưa xử lý vi phạm người sử dụng thuốc BVTV, rất ít xã xử lý vi phạm kinh doanh thuốc BVTV.

Về thị trường, có rất ít doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh RAT do lợi nhuận thấp, rủi ro cao bởi giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi, dễ bị phá sản.

Từ đó, người tiêu dùng khó mua được RAT và người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị do người tiêu dùng không thể phân biệt RAT với rau không an toàn bằng cảm quan. Rau không an toàn dễ dàng trà trộn, lấn át rau an toàn do giá rẻ dẫn tới người tiêu dùng thiếu lòng tin. Liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân không chặt chẽ, không hài hòa lợi ích giữa các bên, hợp đồng thường bị phá vỡ. Trong khi đó HTX hầu như không có vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân do không có vốn hoặc vốn rất thấp, không tài sản thế chấp, khó tiếp cận vốn tín dụng, không có kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh.

Chưa có Nghị định của Chính phủ cụ thể hóa Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tươi sống lưu thông, thương mại trên thị trường dẫn tới rau không an toàn trà trộn, lấn át RAT. Cơ chế, chính sách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm tươi sống của Trung ương và thành phố mới chỉ tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có chính sách xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng.

Cán bộ cơ sở một số xã, phường chưa phát huy hết trách nhiệm trong kiểm soát ATTP ở cơ sở, ngại va chạm nên việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Trung ương và thành phố chưa có chính sách cho kinh doanh RAT như: chợ đầu mối, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng...

Từ những thực tế đó, để phát triển chuỗi rau được bền vững, Chi cục BVTV Hà Nội đề xuất, kiến nghị:

- Chính phủ ban hành Nghị định qui định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.

- UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP theo phân công phân cấp.

- Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ.

- Tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV, kiểm nghiệm ATTP và xử lý vi phạm.

- Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT (chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng RAT).

- Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền về kết quả của các mô hình cộng đồng PGS để nhân rộng.

ĐINH THANH HUYỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phat-trien-chuoi-rau-khac-phuc-canh-sang-tuoi-chieu-heo-kien-nghi-tu-thuc-te-post231660.html