Phát triển chuỗi giá trị cây lạc

Ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng những năm qua đã duy trì nhiều mô hình, dự án nhằm tăng năng suất, giá trị sản lượng, tạo chuỗi liên kết cho cây lạc.

 Ông Triệu Văn Ú, dân tộc Dao đỏ, Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng mỗi năm thu hơn 30 triệu đồng từ trồng lạc. Ảnh: Công Hải.

Ông Triệu Văn Ú, dân tộc Dao đỏ, Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng mỗi năm thu hơn 30 triệu đồng từ trồng lạc. Ảnh: Công Hải.

Xóm người Dao khấm khá nhớ cây lạc

Xóm Lũng Củm cũ nay sáp nhập thành xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có 39 hộ người dân tộc Dao đỏ. Trước đây, muốn lên xóm phải đi bộ hơn 3km đường dốc núi cheo leo, hiểm trở. Hiện nay, xóm đã có đường ô tô nên thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, giao thương buôn bán.

Ông Triệu Văn Ú, dân tộc Dao đỏ, xóm Nà Nghiềng là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây lạc đỏ về trồng ở xóm thay cho cây ngô vụ hè thu với diện tích ban đầu hơn 3.000m2. Nguyên là trưởng xóm, người uy tín nên ông đã đến từng hộ gia đình để vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây lạc vào trồng thay thế một phần diện tích trồng ngô. Từ diện tích nhỏ lẻ, mỗi năm tổng diện tích trồng lạc ở xóm tăng dần lên.

Từ năm 2015, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng hỗ trợ trước giống lạc L14, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân nên các hộ gia đình chuyển đổi dần sang trồng lạc giống L14 cho năng suất cao hơn. Đến nay, mỗi năm, 39 hộ người Dao ở xóm trồng trung bình khoảng 30ha lạc, chủ yếu là lạc L14. Hộ nào tròng ít cũng 1.000m2, hộ nhiều trồng đến hơn 1ha.

Ông Ú chia sẻ: Ban đầu, gia đình tôi và các gia đình khác đều trồng lạc đỏ địa phương với diện tích nhỏ lẻ, không áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng còn thấp. Từ khi có lạc giống L14, được tập huấn khoa học kỹ thuật từ chuẩn bị đất, bón phân, chăm sóc, thu hoạch nên sản lượng, chất lượng lạc tăng cao. Trồng lạc không khó, chỉ cần chú ý áp dụng kỹ thuật đã được tập huấn, bón phân đúng thời điểm cây lạc sẽ phát triển tốt. Gia đình tôi mỗi năm trồng khoảng 1ha, trừ chi phí cho thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Bà Nông Thị Xoan, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Nà Nghiềng cho biết, bà con người Dao đỏ trong xóm hiện nay phát triển kinh tế chủ yếu từ cây lạc. Từ khi đưa cây lạc vào trồng, nhiều hộ dân trong xóm có thu nhập trung bình từ 20 - 40 triệu đồng/năm, nhờ đó đã góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Từ đa số là hộ nghèo, hiện nay chỉ còn hơn 10 hộ người Dao trong xóm còn là hộ nghèo.

Người dân xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng thu hoạch lạc. Ảnh: Công Hải.

Lạc thành cây trồng chủ lực

Cây lạc là cây trồng truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng cao huyện Hà Quảng. Trước đây, người dân trồng diện tích còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây lạc phát triển kém, sản lượng thấp. Năm 2006, cấp ủy, chính quyền huyện Hà Quảng chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với một số doanh nghiệp tập trung tuyên truyền vận động nhân dân các xã vùng Lục Khu chuyển đổi diện tích một số cây trồng địa phương năng suất thấp sang trồng thử giống lạc L14, L23.

Qua các mô hình trồng thử nghiệm, cây lạc giống mới chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất, sản lượng cao hơn lạc giống địa phương. Hàng năm, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp người dân thay đổi nhận thức, thay đổi dần cách trồng truyền thống, hiệu quả không cao. Từ đó đến nay, cây lạc hàng hóa đã được bà con các xã vùng cao tập trung phát triển và coi đây là cây chủ lực giảm nghèo bền vững.

Từ diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cây lạc đã trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm ngèo ở huyện Hà Quảng. Do thấy hiệu quả kinh tế từ việc phát triển cây lạc hàng hóa góp phần giúp xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng cao nhiều năm trở lại đây, huyện Hà Quảng đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về phát triển cây lạc trở thành hàng hóa và là cây trồng mũi nhọn. Những năm gần đây, từ các chương trình 30a, 135, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân giống, phân bón với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Năm 2020, toàn huyện trồng gần 1.000ha lạc, trong đó, riêng vùng cao Lục Khu trồng hơn 650ha, tổng sản lượng đạt hơn 1.600 tấn. Giá lạc trắng L14 được thu với giá 11.000 - 13.000 đồng/kg, lạc đỏ địa phương 15.000 - 17.000 đồng/kg.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hà Quảng cho biết: Người dân thấy hiệu quả từ cây lạc, đặc biệt là lạc hàng hóa nên những năm gần đây đã chuyển nhiều diện tích cây trồng một vụ kém hiệu quả sang trồng hai vụ lạc để nâng cao thu nhập. Từ trồng lạc, nhiều hộ dân có thu nhập vài chục triệu đồng/năm.

Những năm tới, cây lạc hàng hóa vẫn sẽ là cây trồng chủ lực của huyện, đầu ra cũng được nhiều doanh nghiệp, tư thương bao tiêu ổn định nên người dân khá yên tâm khi mở rộng diện tích trồng.

Cán bộ Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng kiểm tra chất lượng cây lạc tại xóm Hồng Sơn, xã Vân Trình, huyện Thạch An. Ảnh: Công Hải.

Tăng cường phát triển chuỗi liên kết

Những năm qua, có nhiều đơn vị đứng ra hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm lạc cho nhiều địa phương. Trong đó, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng là một trong những đơn vị hàng đầu, gắn bó với những hộ dân trồng lạc từ năm 2014 đến nay.

Ông Bế Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng cho biết: Từ diện tích vài chục ha, hiện nay, Công ty đã triển khai hỗ trợ giống cho hơn 300ha trồng lạc, chủ yếu ở huyện Hà Quảng và Thạch An.

Để triển khai theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, quy hoạch sản xuất của địa phương, công ty đã lựa chọn các nông hộ phù hợp, từ các hộ riêng lẻ hình thành nên các nhóm hộ theo khu vực. Các nhóm hộ sẽ đăng ký diện tích trồng căn cứ vào điều kiện đất đai và năng lực của từng nhóm, công ty sẽ có các chính sách liên kết cùng sản xuất.

Công ty sẽ đầu tư trước giống, vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật cho các nhóm hộ và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị thường, có điều chỉnh phù hợp để người dân có hiệu quả hơn. Với cách làm như vậy, người dân hoàn toàn yên tâm để sản xuất, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc được tập huấn, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sau mỗi vụ lạc, người dân có thể thu lãi bình quân trên 30 triệu đồng/ha. Hiện tại, sản phẩm lạc được công ty thu mua và bán làm lạc giống cho các địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An.

Trong năm 2020, từ nguồn vốn dự án của Bộ KHCN, Công ty Hà Quảng đang xây dựng nhà máy ép dầu lạc ở huyện Thạch An theo quy trình sản xuất an toàn (tiêu chuẩn VietGAP). Triển khai các giải pháp để thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đây là điều kiện để đón đầu xu thế sử dụng sản phẩm an toàn của thị trường, tiến tới mục tiêu ký hợp đồng đầu ra sản phẩm tinh dầu lạc cho một số tỉnh, thành trong cả nước.

Cây lạc được phủ xanh tại nhiều ruộng, rẫy tại Xã Vân Trình, huyện Thạch An. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng khẳng định: Với diện tích khoảng 2.000ha mỗi năm, cây lạc nhiều năm qua là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Cao Bằng. Từ những mô hình đưa các giống lạc mới, năng suất, chất lượng cao vào trồng thử nghiệm, kết hợp các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, người nông dân đã thay đổi về tư duy sản xuất, đưa máy móc vào phát triển trồng lạc hàng hóa.

Cùng với sự liên kết với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, sản phẩm lạc Cao Bằng hiện có đầu ra khá ổn định, được đánh giá cao về chất lượng. Lạc Cao Bằng được tiêu thụ chính tại các tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình… và một phần được các tư thương thu mua bán sang Trung Quốc.

Nhu cầu thu mua lạc của các doanh nghiệp, tư thương còn rất lớn, do đó, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác liên kết, bao tiêu sản phẩm để vận động người dân mở rộng diện tích trồng lạc, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo địa phương.

Công Hải

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phat-trien-chuoi-gia-tri-cay-lac-d293977.html