PHÁT TRIỂN CHỚ QUÊN THẾ MẠNH DI SẢN VĂN HÓA

Hơn 600m chiều dài con đường gốm sứ ven sông Hồng (Hà Nội) vừa bị phá dỡ để mở rộng đường phố tạo ra hai cảm xúc trái ngược.

Bức tranh gốm sứ đẹp đẽ, hoành tráng không còn nguyên vẹn là điều đáng tiếc; song việc mở đường cũng rất quan trọng, góp phần giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.

 Khoảng 600m thuộc con đường gốm sứ ven sông Hồng được tháo dỡ để mở rộng đường An Dương. Ảnh:kinhtemoitruong.vn

Khoảng 600m thuộc con đường gốm sứ ven sông Hồng được tháo dỡ để mở rộng đường An Dương. Ảnh:kinhtemoitruong.vn

Con đường gốm sứ khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010), ngay lập tức trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô. Với du khách gần xa, sẽ là thiếu sót nếu đến Hà Nội mà không đi ra con đường gốm sứ. Con đường gốm sứ đã được Sách kỷ lục Guinness vinh danh là bức tranh gốm dài nhất thế giới với 3,85km. Hơn cả những thành tích, con đường gốm sứ là minh chứng, lời giải cho nhiều “bài toán” khó trước đây: Sáng tạo sản phẩm văn hóa giá trị vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có tính hiện đại, một công trình thiết thực, tích hợp nhiều công năng văn hóa, du lịch, môi trường cảnh quan, giáo dục trực quan… Đó là lý do vì sao con đường gốm sứ non trẻ mười năm tuổi trong lòng Thủ đô ngàn năm không phải là một di tích được công nhận, bảo vệ nhưng lại mang nhiều nuối tiếc khi cực chẳng đã phải phá dỡ một phần. Với nhiều người dân Thủ đô, có khi họ không biết xuất xứ, những câu chuyện bên lề nhưng con đường gốm sứ thật gần gũi, thân thương, đã tô điểm Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện diện bên dòng người năm tháng đi về.

Không riêng Hà Nội, đô thị nào trên thế giới có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đều phải tìm cách cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kết cấu đô thị với việc bảo tồn di tích. Hà Nội vốn từ lâu được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, đứng đầu cả nước với hơn 5.900 di tích. Trong bảng phân loại, Hà Nội có đủ 4 loại di tích được quy định tại Luật Di sản Văn hóa, đó là: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học, danh lam thắng cảnh. Rõ ràng, không thể bất cứ công trình, di tích nào cũng được bảo tồn nguyên vẹn. Cốt lõi là phải lựa chọn di tích nào để bảo tồn và phương án bảo tồn như thế nào luôn cần được cẩn trọng, lắng nghe tiếng nói nhiều phía. Quan điểm của chính quyền TP Hà Nội nhiều năm qua được đánh giá là chủ động, linh hoạt, tìm được tiếng nói chung giữa các bên liên quan. Mới nhất, chính quyền thành phố quyết định bảo tồn khu Di chỉ Vườn Chuối (huyện Hoài Đức) dưới dạng một công viên lịch sử-văn hóa-khảo cổ trong lòng khu đô thị mới, để bảo vệ các di tồn văn hóa còn lại dưới mặt đất, đồng thời xây dựng một bảo tàng cộng đồng trưng bày, giới thiệu về giá trị di tích tới công chúng.

Số phận con đường gốm sứ đã nhận được lời hứa từ lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội là khi dự án hoàn thiện sẽ có tường chắn bê tông cốt thép cao, rộng hơn, nếu nghệ sĩ muốn tiếp tục trang trí sẽ giúp đỡ để làm đẹp cảnh quan đô thị. Hy vọng các nghệ sĩ sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và nguồn lực xã hội hóa để con đường gốm sứ “tái sinh”, tiếp tục phát huy giá trị lâu nay. Có như vậy, Hà Nội mới xứng đáng là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận. Trong diện mạo mới, con đường gốm sứ sẽ luôn nhắc nhớ về sức sáng tạo của nhân lực trẻ bên cạnh "kho báu" di tích văn hóa. Kết hợp hai thế mạnh này, chắc chắn Thủ đô thân yêu sẽ tìm hướng đi phù hợp, phát huy các di sản truyền thống làm điểm tựa để phát triển kinh tế sáng tạo hiện đại, chủ động hội nhập trong bối cảnh mới.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/phat-trien-cho-quen-the-manh-di-san-van-hoa-622900