Phát triển Chính phủ điện tử phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử nhấn mạnh quan điểm, phát triển Chính phủ điện tử phải gắn với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất của Ủy ban tổ chức ngày 20/9/2018 (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Ngày 27/9/2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tại Phiên họp thứ nhất diễn ra ngày 20/9 của Ủy ban này.

Theo thông báo, trong kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử yêu cầu, để đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bắt kịp xu thế đổi mới nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan cần thống nhất các quan điểm chỉ đạo, đó là: Kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

Phát triển Chính phủ điện tử phải gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm cả sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân; chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của việc xây dựng Chính phủ điện tử;

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử không làm thay nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đầu mối chỉ huy thống nhất, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan cũng được chỉ đạo cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp hành chính; tổ chức, phân công, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, chất lượng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

“Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm an ninh, an toàn, không để lộ lọt thông tin bí mật của các cơ quan nhà nước, các quyết sách thuộc chế độ mật. Các cơ quan và tổ chức nước ngoài có thể hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử nhưng phần mềm, CSDL phải do Việt Nam làm chủ, quản lý và điều hành”, thông báo nêu rõ.

Khẩn trương xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia

Nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử cần có một kế hoạch tổng thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo cụ thể những nhiệm vụ trước mắt các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, liên quan cần tập trung thực hiện.

Cụ thể, với VPCP, Thủ tướng yêu cầu, là cơ quan thường trực của Tổ công tác của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, VPCP cùng với Bộ TT&TT là những hạt nhân quan trọng triển khai Chính phủ điện tử, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt sáng tạo, đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…, trước hết phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định tại Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018; đẩy mạnh triển khai giải pháp xác thực tập trung cho người dân, doanh nghiệp để tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT, viễn thông, Internet hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong việc tăng cường, thúc đẩy xác thực định danh diện tử cho người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 phù hợp xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh CMCN 4.0, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoàn thành trong tháng 10/2018.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất sửa đổi, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ, Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 10/2018.

“Trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai”, thông báo kết luận nêu.

Đối với các Bộ: Công an, TN&MT, Tài chính, KH&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) được giao tại Quyết định 714 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục CSDLQG cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Bộ Công an cần tập trung ưu tiên hoàn thành việc xây dựng CSDLQG về Dân cư, đây là công việc trọng tâm. Các bộ và cơ quan nêu trên cũng đượ chỉ đạo phải công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL của các bộ, ngành, địa phương.

Viettel, VNPT, FPT, VNPost ưu tiên bố trí nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử

Cũng trong kết luận phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã chỉ đạo Viettel, VNPT, FPT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các hệ thống thông tin, CSDL phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, đi đầu trong đổi mới tư duy, ứng dụng các công nghệ mới phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí các nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp có các thế mạnh khác trong lĩnh vực CNTT tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế của khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ triển khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo mật, an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng.

VNPost cần phối hợp chặt chẽ với VPCP, các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng.

M.T

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/thoi-su/phat-trien-chinh-phu-dien-tu-phai-lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-lam-trung-tam-173057.ict