Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), chăn nuôi gia súc nhai lại là lĩnh vực chăn nuôi quan trọng ở nước ta, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp một lượng thực phẩm thiết yếu cho con người.

Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trâu bò chủ yếu phát triển để cung cấp sức kéo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn sức kéo động vật dần được thay thế bằng máy móc, song chăn nuôi trâu bò lại không bị loại bỏ mà vẫn tiếp tục mở rộng để cung cấp thịt, sữa. Bên cạnh đó, chăn nuôi một số động vật nhai lại khác như dê, cừu phát triển mạnh. Bởi các vật nuôi này có khả năng sử dụng và chuyển hóa các loại thức ăn thô xanh, phụ phẩm công – nông nghiệp thành sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao (thịt đỏ, sữa) làm thực phẩm cho con người.

Mặt khác, chăn nuôi gia súc nhai lại tận dụng tối đa các nguồn lợi tự nhiên (bãi chăn thả) và nguồn lợi con người ở vùng nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, động vật nhai lại có khả năng thích ứng và chống chịu với điều kiện sống khó khăn như hạn hán, nắng nóng. Với những đặc tính sinh học trên, gia súc nhai lại được xác định là một trong những vật nuôi chính được định hướng ưu tiên phát triển được phê duyệt tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 và Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sản xuất theo hướng hàng hóa là hướng phát triển của lĩnh vực chăn nuôi gia súc nhai lại tại nước ta (Ảnh minh họa: BT)

Số lượng đàn gia súc nhai lại nhiều biến động

Về chăn nuôi bò thịt, những năm gần đây, ở nước ta có nhiều thay đổi đáng kể. Từ năm 2008, số lượng đàn bò thịt liên lục giảm, trong đó năm 2011, tổng đàn bò thịt có 5,4 triệu con, giảm 8,11% so với năm 2010. Thời gian này, mặc dù nhu cầu tiêu dùng thịt bò tăng, nhưng do chu kỳ sản xuất của bò thịt dài nên số lượng bò giết thịt cao hơn số lượng bò tái đàn.

Từ năm 2014 đến 2017, số lượng đàn bò tăng từ 5,2 lên 5,65 triệu con với tốc độ tăng trưởng 2,61%/năm bởi người chăn nuôi tăng đầu tư sản sản xuất chăn nuôi bò thịt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Ngược lại với tốc độ tăng trưởng về số lượng đàn bò thịt, sản lượng thịt bò từ năm 2008 đến 2012 tăng đáng kể, đặc biệt là năm 2009 sản lượng thịt bò tăng 13,46%. Giai đoạn 2014 – 2017, sản lượng thịt bò cả nước có tăng từ 285,4 nghìn tấn lên 321,6 nghìn tấn, đạt tốc độ tăng trưởng 4,17%/năm. Sản lượng thịt bò tăng do số lượng và chất lượng bò lai được cải thiện đáng kể trong những năm qua.

Về chăn nuôi trâu, trong 3 năm trở lại đây, số lượng trâu cả nước có xu hướng giảm nhẹ hơn so với giai đoạn trước, theo số liệu thống kê năm 2017, đàn trâu nước ta đạt 2,5 triệu con. Những năm trở lại đây, nhu cầu tiêu dùng thịt đỏ gia tăng, đồng thời, do chu kỳ sinh sản kéo dài nên tốc độ tái đàn chậm hơn số lượng trâu bị giết thịt nên số lượng trâu không ngừng giảm trong giai đoạn 2010 – 2017.

Ngoài ra, với chăn nuôi dê, từ năm 2010 trở lại đây, số lượng đàn dê tăng 11,28%/năm. Số lượng dê tăng từ 1,2 triệu con năm 2010 lên 2,55 triệu con năm 2017. Sản lượng thịt dê tăng từ 15,7 nghìn tấn năm 2010 lên 26,26 nghìn tấn năm 2017.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù là lĩnh vực khá quan trọng của ngành chăn nuôi, tuy nhiên, chăn nuôi gia súc nhai lại ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Với chăn nuôi bò thịt, tại nhiều địa phương, do thực hiện chương trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, nên các bãi chăn thả tự nhiên dành cho bò càng ngày càng thu hẹp dần.

Trong khi đó do hạn chế về đất đai, sản lượng cỏ trồng chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu thức ăn thô xanh của gia súc ăn cỏ. Mặt khác, do chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp (nhiều người chuyển từ sản xuất chăn nuôi sang kinh doanh dịch vụ), đồng thời, do đặc điểm sinh trưởng chậm, vòng quay dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đàn bò.

Bên cạnh đó, chăn nuôi bò ở nước ta về cơ bản là quy mô nhỏ, phân tán, thả rông nên kém bền vững. Trong khi đó chăn nuôi trang trại mặc dù đã hình thành, nhưng khó phát triển nhanh vì thiếu quỹ đất và giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Giá thành sản xuất thịt bò trong nước cao hơn so với thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài.

Với chăn nuôi trâu, khối lượng trâu đã giảm nghiêm trọng, báo động trong công tác quản lý giống trâu. Khối lượng trung bình cơ thể trâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm do yếu tố dinh dưỡng và chất lượng giống ngày càng giảm. Thực tế chăn nuôi trâu thời gian qua cho thấy có hiện tượng chọn lọc ngược. Trâu khỏe thường được chọn bán hoặc giết thịt, đồng thời, người nuôi trâu thích nuôi trâu cái, tỷ lệ giống trâu đực và trâu cái không tương xứng.

Mặt khác, chăn nuôi trâu phổ biến là phân tán trong các nông hộ tại các vùng đồng bằng và chăn thả theo đàn tại các tỉnh miền núi, trung du; nguồn thức ăn dựa vào chăn thả tự nhiên là chính, kết hợp bổ sung thêm rơm, cỏ khô. Nhu cầu dinh dưỡng của trâu không đảm bảo nên đã hạn chế khả năng sinh sản và năng suất thịt.

Phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại theo hướng hàng hóa

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, đến năm 2030, chăn nuôi gia súc nhai lại sẽ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi thâm canh trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả các điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong đó, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học vào chăn nuôi, công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sản phẩm. Hình thành một số vùng chăn nuôi trang trại tập trung quy mô vừa và nhỏ tại các vùng có khả năng phát triển đồng cỏ như: Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc.

Khuyến khích tăng vốn đầu tư ODA và FDI cho lĩnh vực chăn nuôi. Đẩy mạnh xã hội hóa vốn đầu tư cho chăn nuôi thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ khu vực tư nhân. Chú trọng đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo nguồn lực cho một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi.

Về phương thức chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát, gia trại, trang trại. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cơ sở sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Thúc đẩy chăn nuôi theo hướng liên kết, liên doanh và sản xuất theo chuỗi khép kín.

Về giống, chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng, số lượng các giống trâu, bò, dê, cừu bản địa. Đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp với các giống có năng suất, chất lượng tốt.

Đáng chú ý, về tổ chức sản xuất, khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, hợp tác xã, dịch vụ chăn nuôi; củng cố phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại.

Chuyển đổi một số diện tích trồng lúa và một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn cho chăn nuôi gia súc nhai lại. Xây dựng các mô hình trồng cỏ hỗn hợp, cỏ thâm canh năng suất cao. Sử dụng hợp lý các phụ phẩm công, nông nghiệp... làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

Đặc biệt, về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt, sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý của từng vùng, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thịt từ gia súc nhai lại./.

BT

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/phat-trien-chan-nuoi-dai-gia-suc-theo-huong-san-xuat-hang-hoa-504107.html