Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh

Ngày 20-2, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức Hội thảo 'Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh' nhằm chia sẻ các kết quả, đánh giá ảnh hưởng hội nhập tới ngành chăn nuôi và các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững.

 Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá những tác động cũng như cơ hội của ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá những tác động cũng như cơ hội của ngành chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập. Ảnh: Bích Nguyên

Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong Top 10 quốc gia sản sản xuất thịt lợn với sản lượng móc hàm đạt 2,8 triệu tấn (2018), sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Brazil, Nga. Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia tiêu dùng thịt lợn với tiêu dùng đạt 2,7 triệu tấn móc hàm. Những năm trước đây, chăn nuôi lợn tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện chăn nuôi lợn đang tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ gia đình, tỷ trọng 26,9% trong tổng số 9,32 triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Năm vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy trên 5,9 triệu con lợn với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước ảnh hưởng rất lớn tới sinh kế của người nông dân.

Theo Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, không chỉ chịu rủi ro do dịch bệnh, hội nhập cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên cả người sản xuất và thị trường bán lẻ thịt lợn, trong đó, tác động nhiều hơn đến hộ quy mô gia trại và trang trại khi doanh thu phụ thuộc cao vào chăn nuôi.

Các ngành hàng khác như thịt bò, sữa bột và các sản phẩm sữa sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm từ các thị trường trên. Trong khi đó, ngành chăn nuôi gà, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chịu ít tác động.

Bên cạnh những thách thức, ông Thắng cho rằng hội nhập cũng là cơ hội để tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Do đó, các chính sách của Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh; hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề khác; phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ… đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước. Kiểm soát tốt công tác tái đàn. Tăng cường công tác cảnh báo sớm, thông tin dự báo thị trường.

Ông Trần Công Thắng cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất. Cải thiện giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất ượng an toàn thực phẩm. Đối với người nông dân, cần liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường…

Để giảm thiếu tác động của dịch bệnh và hội nhập thành công, các chuyên gia dự hội thảo cũng khuyến nghị trong ngắn hạn, đẩy mạnh tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước. Trong dài hạn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, cân đối cung cầu, đảm bảo an sinh xã hội.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-trong-boi-canh-hoi-nhap-va-dam-bao-an-toan-dich-benh/