Phát triển cây sâm Việt Nam công nghệ cao tại Lâm Đồng

Ngày 16-8, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Nhân sâm Hàn Quốc và công ty CP Sâm Việt VGC, tổ chức hội thảo quốc tế về 'Phát triển sâm Việt Nam công nghệ cao lần thứ nhất tại Lâm Đồng'.

Nhân giống sâm Việt Nam bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro tại Lâm Đồng.

Nhân giống sâm Việt Nam bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro tại Lâm Đồng.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá, làm rõ các kết quả nghiên cứu trồng thử nghiệm sâm Việt Nam; quy trình, kỹ thuật canh tác công nghệ cao và định hướng phát triển, nhân rộng mô hình đến các doanh nghiệp và người dân để hình thành vùng sản xuất sâm Việt Nam công nghệ cao tại Lâm Đồng, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều cây dược liệu quý, như lan gấm, thông đỏ, atisô, đảng sâm, lan thạch học tím và sâm Việt Nam. Những năm qua, sâm Việt Nam là một trong những cây trồng được quan tâm tại địa phương và được nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu nhân giống bằng in vitro; phân tích, xác định hàm lượng saponin… Nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố nước ngoài, khẳng định đây là cây sâm quý của Việt Nam và trên thế giới.

Qua quá trình khảo sát thực trạng trồng sâm Việt Nam và 5 năm thử nghiệm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng, trồng sâm Việt Nam bằng hạt trên đất bằng với mái che nhân tạo và công nghệ mới tại độ cao 1.400 m tại Lâm Đồng cho kết quả rất khả thi; năng suất, chất lượng cao; hàm lượng saponin vượt trội so tiêu chí Dược điển Việt Nam.

Theo tài liệu, sâm Việt Nam được phát hiện đầu tiên vào năm 1973, phân bố chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, thường được gọi là sâm Ngọc Linh. Sâm Việt Nam có giá trị kinh tế rất cao, đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một trong những sản phẩm được tập trung các nguồn lực để nghiên cứu, phát triển hình thành vùng cây dược liệu quý hiếm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cây sâm Việt Nam được nhân giống thành công tại Lâm Đồng.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/41234302-phat-trien-cay-sam-viet-nam-cong-nghe-cao-tai-lam-dong.html