Phát triển cây dược liệu quý ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông

Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên Pù Luông có khí hậu mát mẻ, phù hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật, đặc biệt là các loài cây dược liệu. Theo kết quả điều tra, hiện KBT có 737 loài cây thuốc, thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm.

Người dân bản Son, xã Lũng Cao (Bá Thước) chăm sóc cây mướp đắng.

Ngoài ra, kết quả điều tra cũng đã ghi nhận được tại KBT có 230 loài, 176 chi thuộc 82 họ từ lâu đã được người dân biết đến và sử dụng. Theo khảo sát hiện có khoảng 48 loài thuốc trong KBT đang bị thương lái đến thu mua, trong đó có 33 loài cây thuốc quý hiếm, nguy cấp có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam, năm 2007. Các bộ phận được thương lái thu mua rất đa dạng từ thân, vỏ, lá, rể, củ... như cây bảy lá một hoa, lan kim tuyến đá vôi, khôi tía... Đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm thiểu về số lượng và mức độ phong phú của các loài thuốc tự nhiên trong KBT.

Nhằm bảo tồn các loại cây dược liệu, những năm qua KBT Thiên nhiên Pù Luông đã triển khai một số dự án, đề tài khoa học, như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”, hiện KBT đã điều tra hiện trạng phân bố cây và lấy mẫu đất để phân tích giám định; Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam tại hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (2016-2020). Dự án này thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số tầm nhìn đến năm 2025. Trong quá trình thực hiện dự án, KBT đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đất, nước tại khu vực nghiên cứu, lựa chọn được địa điểm triển khai mô hình, các xã được lựa chọn thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lao động; đồng thời xây dựng các vườn ươm giống gốc các loại dược liệu trên. Bên cạnh đó, KBT đang xây dựng các mô hình trồng, sản xuất dược liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn GACP, không những bảo tồn các loài dược liệu quý mà còn mang lại nguồn thu nhập cho người dân trong vùng đệm KBT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tự trồng, tự chăm sóc, sản xuất dược liệu tại vườn nhà; ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi cây dược liệu trong KBT. Nằm trong KBT, vùng Son, Bá, Mười (xã Lũng Cao) có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm ôn hòa, là nơi có tiềm năng về phát triển cây thuốc tự nhiên và cây thuốc trồng. Những năm qua, đã được các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, đề tài, dự án phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển dân sinh, dân kế. Đặc biệt, năm 2015 Công ty CP Phát triển và Đầu tư nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đưa vào trồng mô hình cây mướp đắng lấy hạt trên diện tích gần 5 ha, hiện cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.

Để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu ở KBT Thiên nhiên Pù Luông bền vững, trong thời gian tới KBT tiếp tục tuyên truyền để người dân không khai thác cây dược liệu một cách tự phát, có các giải pháp tái sinh, bảo tồn, nhất là một số loại đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án để từng bước bảo tồn và nâng cao giá trị cây dược liệu trong KBT.

Bài và ảnh: Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-trien-cay-duoc-lieu-quy-o-khu-bao-ton-thien-nhien-pu-luong/108182.htm