Phát triển cây công nghiệp lợi thế ở miền núi

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai và nguồn lao động dồi dào trên địa bàn, những năm qua, các huyện miền núi của tỉnh đã đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Người dân xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) thu hoạch mủ cao su.

Để phát triển cây công nghiệp theo hướng mở rộng diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện, các huyện miền núi của tỉnh đã vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư thâm canh tăng năng suất, phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao... Thu hút các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân vào địa bàn để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại chỗ các sản phẩm cây công nghiệp. Khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất đồi nương trồng lúa, rau màu năng suất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổ chức tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho người dân... Đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, phục vụ chế biến. Phát triển 130.000 ha rừng sản xuất tập trung, chủ yếu là cây keo, xoan ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... Hàng năm, khai thác khoảng 10.000 ha, sản lượng bình quân 720.000m3/năm, giá trị sản xuất khoảng 1.017 tỷ đồng, chiếm 54,48% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp; giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ 84,72 triệu USD; giải quyết việc làm cho 104.000 lao động. Tại các vùng sản xuất việc liên kết theo chuỗi giá trị đang được các doanh nghiệp, chủ rừng thực hiện và xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển rừng sản xuất còn góp phần tăng độ che phủ rừng, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn và sạt lở đất... bảo đảm nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện miền núi có hơn 131.000 ha tre, luồng, tập trung tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lặc. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60,9 triệu cây luồng và 81.243 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến... giá trị sản xuất 592,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 102.000 lao động. Đối với những cây công nghiệp hàng năm, đã hình thành các vùng chuyên canh cây mía đường với diện tích khoảng 24.400 ha, sắn nguyên liệu 13.500 ha, cây gai xanh khoảng 65 ha... tập trung ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Như Thanh... phục vụ nguồn nguyên liệu chế biến tại chỗ cho các nhà máy đóng trên địa bàn miền núi. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, các huyện miền núi còn chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh liên doanh, liên kết doanh nghiệp với người nông dân, áp dụng những công nghệ, mô hình tiên tiến, phù hợp, bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhất là đối với những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế phát triển cây công nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi những năm gần đây cho thấy, các loại cây này đang phải chịu sự cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác, nhất là về diện tích và hiệu quả kinh tế. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao so với nhiều đối tượng cây trồng khác trên đất đồi núi. Đối với cây cao su, do giá mủ thấp một số diện tích không được quan tâm chăm sóc; nhiều diện tích đã sắp hết chu kỳ khai thác. Dự kiến có khoảng 2.500 ha cây cao su sẽ tiếp tục được chuyển đổi sang cây trồng khác trong những năm tới.

Để phát triển bền vững cây công nghiệp trên địa bàn khu vực miền núi, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang tập trung rà soát diện tích các loại cây phục vụ công nghiệp chế biến hiện có để đánh giá hạn chế, kết quả và bổ sung diện tích các loại cây trồng có thế mạnh. Đồng thời, xây dựng các chính sách cụ thể đối với rừng nghèo kiệt; tổ chức liên doanh, liên kết với người dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Tổ chức thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh. Xây dựng kế hoạch phát triển diện tích các loại cây trồng nhằm bảo đảm được mối liên kết giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cay-cong-nghiep-loi-the-o-mien-nui/118892.htm