Phát triển cây a-ti-sô giúp người dân thoát nghèo

Những ngày này, người dân ở các xã Sa Pả, Tả Phìn (huyện Sa Pa), Lùng Phình, Na Hối (huyện Bắc Hà) của tỉnh Lào Cai đang bước vào vụ thu hoạch lá cây a-ti-sô. Từ cây dược liệu bản địa đứng trước nguy cơ mất dần, cây a-ti-sô đã được các nhà khoa học bảo tồn, phục tráng và phát triển thành vùng trồng, đưa lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Cây a-ti-sô đã trở thành cây 'xóa đói, giảm nghèo' cho người dân Lào Cai gần tám năm qua.

Người dân thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) kiểm tra chất lượng hoa a-ti-sô sắp thu hoạch. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Người dân thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) kiểm tra chất lượng hoa a-ti-sô sắp thu hoạch. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Mùa thu hái lá a-ti-sô là thời điểm hoạt chất trong lá đạt cao nhất, lá cây xanh đậm, bẹ mập mạp, cao vút ngang lưng người. Đây cũng là thời gian người dân mong đợi có nguồn thu nhập để tiết kiệm, mua sắm, trang trải các sinh hoạt trong gia đình. Anh Thào A Từ (thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa) cho biết, gia đình anh đã hợp tác trồng a-ti-sô với Công ty cổ phần Traphaco từ năm 2011 đến nay. Từ 3.000 m2 đất trồng lúa, anh chuyển sang trồng a-ti-sô, mỗi năm, cây a-ti-sô cho khoảng 7 đến 8 đợt cắt lá, thu nhập khoảng 70 triệu đồng, trong khi đó, trồng lúa chỉ đạt 12 triệu đồng/năm. Với số tiền đó, cộng với thu nhập từ trồng rau, gia đình anh đủ nuôi hai con đi học; mới đây còn dựng được ngôi nhà khá khang trang. Lãnh đạo UBND huyện Sa Pa cho biết, diện tích vùng trồng a-ti-sô được phát triển tại huyện Sa Pa và Bắc Hà, với 156 hộ, đa số là người Dao, Mông, diện tích 60 ha, sản lượng 2.200 tấn dược liệu tươi/năm, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng cây lương thực. Mô hình trồng dược liệu có sự liên kết bền vững giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền. Toàn bộ dược liệu được Công ty cổ phần Traphaco bao tiêu, dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, cho nên, người dân rất yên tâm hợp tác với doanh nghiệp.

Thời gian cắt lá chỉ khoảng hơn một tuần, khiến cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Traphaco Nguyễn Phú Trí khá vất vả khi phải chạy qua lại nhà các hộ dân để thông báo thời gian thu hái, hướng dẫn kỹ thuật. Tại một điểm cắt lá ở xã Sa Pả (huyện Sa Pa), anh Trí chuẩn bị găng tay, liềm, bạt, gùi và làm mẫu động tác cắt lá cho một nhóm bà con xem. Anh dặn dò người dân đeo găng tay bảo hộ, lá cắt để vào bạt sạch sẽ, không cắt cuống lá để bảo đảm chất lượng dược liệu. Là người đã bám trụ ở địa bàn này nhiều năm, “cầm tay chỉ việc” cho bà con trồng a-ti-sô, anh Nguyễn Phú Trí cho rằng, cán bộ phải làm nhiều lần thì người dân mới nhớ, vừa gần gũi, chia sẻ với bà con. Đến bây giờ người dân đã làm chủ kỹ thuật trồng, nhưng với các nhà khoa học và cán bộ Công ty cổ phần Traphaco là cả quá trình vất vả trong việc phục tráng giống a-ti-sô và chuyển giao kỹ thuật trồng, thu hoạch cho người dân. Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết, trước đây, cây a-ti-sô được người Pháp đưa vào trồng tại Sa Pa, nhưng qua thăng trầm của phát triển dược liệu, nhất là xu hướng chỉ tập trung thu hái trong tự nhiên, cây a-ti-sô không được quan tâm phát triển, dần mất đi. Năm 1998, Công ty cổ phần Traphaco phối hợp các nhà khoa học tìm hiểu để khôi phục thì lúc đó chỉ còn vài cây được bảo tồn tại vườn thực vật của Trại nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu). Công ty đã nhờ Viện Di truyền nông nghiệp nhập giống a-ti-sô từ Niu Di-lân, nhờ Viện Dược liệu nhập giống từ Hà Lan, chở củ a-ti-sô của Đà Lạt ra Sa Pa trồng nhưng các giống không phù hợp giá rét của Sa Pa, chết dần. Cuối cùng, công ty cùng các nhà khoa học tập trung phục tráng giống a-ti-sô bản địa từ một vài cây còn sót lại tại Trung tâm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa. Qua nhiều năm trồng khảo nghiệm, chọn lọc giống, hiện nay đã có được giống a-ti-sô phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa, hoàn thành quy trình trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ông Nguyễn Huy Văn cho biết, việc khôi phục, phát triển cây đã đưa lại thương hiệu a-ti-sô Lào Cai, sắp tới, đơn vị sẽ đăng ký giống quốc gia cho a-ti-sô Lào Cai.

Quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng cũng gặp nhiều khó khăn do một số người dân không biết chữ, tập quán canh tác không quen trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh việc “cầm tay chỉ việc”, cán bộ xã, huyện phải đi đầu trồng dược liệu để người dân thấy hiệu quả, làm theo. Anh Thào A Cáng (thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa) cho biết, trước đây khi chưa hợp tác với Công ty cổ phần Traphaco, anh trồng cây nào chết cây đó. Sau nhiều lần được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn cách đào hố, bón phân, thời gian tưới,... anh đã nắm được kỹ thuật trồng, tự sản xuất được cây giống, biết cách trồng xen rau sau mỗi lần cắt lá a-ti-sô để tăng thu nhập. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhờ áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, cây a-ti-sô tăng năng suất rõ rệt. Cây a-ti-sô hoàn toàn phù hợp với khí hậu và khả năng, trình độ canh tác của bà con. Hiện nay, địa phương mong muốn mở rộng diện tích trồng a-ti-sô nhưng phụ thuộc sức mua của thị trường. Với điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm trồng dược liệu của người dân, chính quyền đang kết hợp với doanh nghiệp trồng khảo nghiệm các cây dược liệu khác như đương quy, độc hoạt, bạch truật, cát cánh. Bước đầu, các cây dược liệu phát triển tốt. Trồng a-ti-sô nói riêng, cây dược liệu nói chung đang là hướng đi để xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong tỉnh. Đại diện của Công ty cổ phần Traphaco cũng cho biết, để tăng giá trị trên diện tích đất và tăng thu nhập cho người dân, công ty đang nghiên cứu, lai tạo giống ong chịu được rét, hút mật hoa a-ti-sô, tạo ra nhiều sản phẩm mới từ loài cây này.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/35945902-phat-trien-cay-a-ti-so-giup-nguoi-dan-thoat-ngheo.html