Phát triển các trường mầm non tại Hà Nội: Xã hội hóa, thí điểm mô hình công tư

Các ngành cần tham mưu xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa giáo dục; xây dựng chính sách đặc thù thí điểm mô hình công tư, khuyến khích các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư phát triển nhà trẻ, trường mầm non, đó là một trong những yêu cầu UBND TP Hà Nội đặt ra trong Văn bản số 2711 về tăng cường quản lý Nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục mầm non vừa ban hành.

 Một điểm trường Mầm non tư thục tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Phạm Hùng

Một điểm trường Mầm non tư thục tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, để khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, TP yêu cầu các đơn vị thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, tiến hành rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở giáo dục mầm non gắn với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Kiên quyết xử lý và thu hồi các dự án đất dành cho giáo dục chậm triển khai, giao cho UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên xây dựng trường học theo quy hoạch.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển giáo dục mầm non, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định…
Trước đó, kết quả giám sát về hệ thống trường mầm non trên địa bàn TP của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho thấy, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong điều kiện các trường mầm non công lập đang bị quá tải. Hiện nay, toàn TP có 1.084 trường mầm non, trong đó công lập có 764 trường, 320 trường ngoài công lập. Cùng với đó là 2.467 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung các chính sách hỗ trợ thu hút xã hội hóa, đầu tư cho giáo dục, trong đó quy định hỗ trợ từng phần hoặc toàn phần kinh phí GPMB, ưu đãi vay vốn, tín dụng với lãi suất thấp để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non... Đồng thời, đề nghị TP chỉ đạo dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non công lập, nhất là ở những khu đô thị có mật độ dân cư cao để tránh quá tải; chỉ đạo các nhà đầu tư xây dựng các khu chung cư trên địa bàn cần có kế hoạch xây dựng trường mầm non hoặc hoàn thiện xây dựng đúng tiến độ. Đối với các trường mầm non công lập ở địa bàn dân cư bị quá tải cần có cơ chế mở rộng tăng diện tích, tăng số lượng phòng học, xây dựng nâng tầng... Nghiên cứu cho phép các quận, huyện thực hiện thí điểm mô hình công tư trong xây dựng và hoạt động trường mầm non, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản…
Ban cũng đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. UBND các quận, huyện, thị xã cần thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương…

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-cac-truong-mam-non-tai-ha-noi-xa-hoi-hoa-thi-diem-mo-hinh-cong-tu-319374.html