Phát triển các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn

Ngày 24-4, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Sau hai năm triển khai dự án, nhiều nội dung, chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu đề ra là: Xây dựng và phát triển ổn định chín mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, đăng ký được 9 trong số 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi cho các chuỗi... Sản lượng thịt lợn đạt 8,14 tấn/ngày, thịt gia cầm 4,22 tấn/ngày, trứng gà 72 nghìn quả/ngày, sữa bò tươi 90 tấn/ngày, thịt bò 1,5 tấn/ngày.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về những việc làm được, những hạn chế cần khắc phục, bài học kinh nghiệm qua hai năm triển khai dự án; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị để xây dựng và hoàn thiện các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; tạo ra xu hướng mới phát triển chăn nuôi tại thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng...

PV

Huy động đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư ba dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội. Theo đó, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt. Trước mắt, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực (kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT) để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, phối hợp UBND thành phố Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật; sớm trình Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp cuối năm nay...

PV

Còn nhiều hạn chế trong chuỗi giá trị nông sản

Trong Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân với chủ đề: "Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam" diễn ra ngày 24-4, tại Hà Nội, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện ngành nông nghiệp có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, nhưng chỉ 50% số chuỗi hoạt động có hiệu quả. Chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Tiếp đến khâu sản xuất, quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Ở khâu sau thu hoạch, mức tổn thất sau thu hoạch khá cao, với rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. Để có thể phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản, thời gian tới cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp-hợp tác xã/tổ hợp tác; thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hiệp hội, ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi...

PV

Mở rộng diện tích trồng điều ở Tây Nguyên

Hiện, các tỉnh Tây Nguyên có hơn 94 nghìn héc-ta điều, tăng gần 14.700 ha so với năm 2016; trong đó, Lâm Đồng là địa phương có diện tích điều nhiều nhất với 29.700 ha, tiếp theo là Đác Lắc có 23.187 ha, Kon Tum có diện tích điều thấp nhất 780 ha. Giá điều tăng lên từ 42 đến 47 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp hai lần so với cách đây hơn ba năm. Giá điều tăng khiến người dân tỉnh Lâm Đồng trồng mới thêm hơn 11.362 ha điều; Đác Lắc trồng được hơn 2.400 ha điều.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/36199302-phat-trien-cac-mo-hinh-chuoi-san-xuat-va-cung-cap-san-pham-chan-nuoi-an-toan.html