Phát triển các cây trồng lợi thế

Trên cơ sở phân tích sự phù hợp về điều kiện, trình độ canh tác và xu thế của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta đã định hướng phát triển 7 loại cây trồng lợi thế trong phát triển nông nghiệp, gồm: Lúa, ngô, mía, cây ăn quả, rau an toàn, cây thức ăn chăn nuôi và các loại hoa, cây cảnh.

Phát triển các cây trồng lợi thế

Người dân xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) thu hoạch vải.

Trên cơ sở phân tích sự phù hợp về điều kiện, trình độ canh tác và xu thế của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta đã định hướng phát triển 7 loại cây trồng lợi thế trong phát triển nông nghiệp, gồm: Lúa, ngô, mía, cây ăn quả, rau an toàn, cây thức ăn chăn nuôi và các loại hoa, cây cảnh.

Để phát triển các cây trồng lợi thế, những năm qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ nhằm tăng năng suất, cải thiện chất lượng cho các cây trồng lợi thế. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng lợi thế để nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn và ứng dụng, mở rộng nhiều giống cây trồng nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt vào gieo trồng. Đồng thời, thực hiện quy trình thâm canh, ứng dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật, được ứng dụng rộng rãi như ICM, IPM, SRI, phân viên nén, phân chuyên dùng, cơ giới hóa đồng bộ vào quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai xây dựng và phát triển các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ thực hiện theo định hướng của tỉnh, nên nhiều địa phương đã xác định và hình thành được những cây trồng chủ lực cụ thể cho mình. Ví như huyện Vĩnh Lộc, trên cơ sở xác định cây trồng chủ lực trong lộ trình tái cơ cấu của huyện là lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và rau an toàn, nên những năm qua, huyện đã tập trung phát triển vùng lúa thâm canh và vùng rau an toàn theo hướng VietGap. Để phát triển 2 loại cây trồng lợi thế này, huyện đã xây dựng vùng sản xuất tập trung; đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung. Nhờ đó, đến nay, huyện đã xây dựng được vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại 15 xã, với tổng diện tích mỗi năm đạt 2.500 ha; vùng sản xuất rau an toàn tập trung, có diện tích 23 ha và rau an toàn trong nhà lưới đạt 27.000m2.

Để đẩy mạnh, khuyến khích các địa phương phát triển các loại cây trồng lợi thế theo định hướng đề ra, tỉnh ta đã có các chính sách hỗ trợ một số loại cây trồng, như: Chính sách hỗ trợ để xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung và chính sách hỗ trợ mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng. Như vậy, trong số 7 nội dung hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, thì có tới 3 chính sách hỗ trợ riêng dành cho 3 loại cây trồng lợi thế.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp cùng với các chính sách hỗ trợ, nên các cây trồng lợi thế ngày càng phát triển. Tính đến vụ xuân 2019, toàn tỉnh đã phát triển được 69.640 ha lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; ngô thâm canh năng suất cao đạt 12.000 ha; mía thâm canh 7.000 ha; rau an toàn 2.000 ha; cây ăn quả 2.960 ha; hoa, cây cảnh 120 ha; cây thức ăn chăn nuôi 7.000 ha.

Kết quả trên cho thấy, phát triển các cây trồng lợi thế trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây này đang gặp phải một số khó khăn, như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững, thu nhập của nông dân chậm được cải thiện; chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn sản phẩm chưa có thương hiệu và thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nhất là khi đưa vào sản xuất quy mô lớn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ tồn tại ở dạng mô hình thử nghiệm và đa phần có sự bảo trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao, có tay nghề trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu và yếu. Bởi vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngành nông nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh công tác tích tụ ruộng đất, xây dựng và mở rộng thêm vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, tích cực, chủ động kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cac-cay-trong-loi-the/103575.htm