Phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã dành nguồn lực khá lớn đầu tư cho giáo dục, khoa học và công nghệ (KH và CN), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần sự quan tâm hơn nữa để giáo dục, KH và CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững vùng ÐBSCL.

Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học bảo quản rau, củ, quả từ vỏ chuối xiêm xanh tại phòng thí nghiệm.

Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học bảo quản rau, củ, quả từ vỏ chuối xiêm xanh tại phòng thí nghiệm.

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã dành nguồn lực khá lớn đầu tư cho giáo dục, khoa học và công nghệ (KH và CN), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, hạn chế, cần sự quan tâm hơn nữa để giáo dục, KH và CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững vùng ÐBSCL.

Là tỉnh thuần nông còn nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang dành nguồn ngân sách đáng kể cho giáo dục, KH và CN. Từ năm 2004 đến nay, tổng ngân sách đầu tư xây dựng trường, lớp học của ngành giáo dục và đào tạo khoảng 3.600 tỷ đồng, trong đó nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp hơn 338 tỷ đồng. Từ những nỗ lực phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp học, đến nay đã xóa hết các phòng học tre, lá tạm bợ, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố chiếm 94,6%. Có 80% trong tổng số 331 trường học các cấp trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, với trang thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu của đổi mới công tác dạy và học. Từ đó chất lượng giáo dục, trình độ dân trí được nâng lên. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh đỗ kỳ thi THPT quốc gia của Hậu Giang đạt hơn 98%. Ðồng thời, phát triển KH và CN luôn được quan tâm đổi mới thông qua áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH và CN, các nhiệm vụ triển khai đều có địa chỉ ứng dụng. Hơn 10 năm qua, tỉnh đã chuyển giao ứng dụng 133 đề tài, dự án, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trước đây tiếp tục được triển khai ứng dụng có hiệu quả. Trong các đề tài, dự án được triển khai, có 16% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 22% thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; 8% thuộc lĩnh vực y, dược; 24% thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn.

Tại Sóc Trăng, việc đầu tư cho giáo dục được quan tâm, nhất là những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cô Lý Thị Y, Hiệu trưởng Trường mầm non Tham Ðôn ở ấp Tắc Giồng, xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên vui mừng cho biết: "Xã có hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ðược Nhà nước quan tâm đầu tư trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho nên hằng năm nhà trường huy động trẻ ra lớp đều đạt kế hoạch. Toàn trường có một nhóm trẻ và 13 lớp mẫu giáo, với tổng số 415 cháu. Việc Nhà nước đầu tư trường mầm non không chỉ giúp phụ huynh tranh thủ thời gian sản xuất mà còn giúp các em có điều kiện học tốt các cấp học tiếp theo". Ðến nay, Sóc Trăng có mạng lưới trường, lớp ngày càng hoàn thiện; giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa luôn được quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường, lớp, nâng cao trình độ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn. Sóc Trăng hiện có hơn 70% trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về KH và CN, 5 năm qua, Sóc Trăng có 57 đề tài, dự án đã và đang được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng; trong đó, có 41 đề tài, dự án nghiên cứu cấp tỉnh về các sản phẩm chủ lực đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Ðáng chú ý là ứng dụng các tiến bộ KH và CN để chọn tạo giống lúa thơm, lúa cao sản kháng rầy nâu, lai tạo và chọn các giống lúa thơm phục vụ các vùng trồng lúa thơm của tỉnh, như các giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thương mại tốt. Ðã có những giống tạo được dấu ấn đặc biệt như ST24, ST25,...

Với vị trí, vai trò là trung tâm vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ có bước phát triển mạnh về giáo dục, KH và CN. Chỉ tính riêng năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, TP Cần Thơ đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. 100% các trường được đầu tư xây dựng kiên cố, nhất là các huyện ngoại thành, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ðến nay, TP Cần Thơ có 325 trong tổng số 455 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 70%. Hệ thống các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu, trường tư thục các cấp đóng trên địa bàn TP Cần Thơ nhiều nhất vùng, cho nên thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.

Chỉ riêng năm 2020, TP Cần Thơ đầu tư hơn 32 tỷ đồng vào phát triển KH và CN. Trong đó, hỗ trợ 15 doanh nghiệp ứng dụng KH và CN trong lĩnh vực cơ khí, thực phẩm, chế biến gỗ, nông nghiệp với kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Hỗ trợ sáu doanh nghiệp trong Vườn Ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc xây dựng đề án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ðến nay, có ba doanh nghiệp hoàn thành ươm tạo, có sản phẩm bán ra thị trường, gồm: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí chế tạo máy Tín Ðức (sản phẩm máy bơm bùn kết hợp cắt dị vật), Công ty TNHH Tragovy (sản phẩm máy làm bánh tráng chả giò rế) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu A&B (sản xuất bột nêm từ nấm bào ngư).

Tuy nhiên, việc đầu tư giáo dục, KH và CN ở vùng ÐBSCL còn nhiều hạn chế do ngân sách địa phương đầu tư không đạt 20% ngân sách như quy định; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, cho nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển KH và CN; thiếu sự phối hợp, liên kết giữa địa phương với các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn. Ðể giáo dục, KH và CN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương ÐBSCL đề ra nhiều giải pháp. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Ðồng Văn Thanh cho biết: Thời gian tới, Hậu Giang chủ động xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH và CN và đổi mới sáng tạo. Ðẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao KH và CN, giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực. Ðồng thời, khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH và CN, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH và CN. Ðối với giáo dục, ưu tiên đầu tư phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình nhà trẻ tư thục ở các cụm dân cư, cụm công nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác vận động xã hội hóa giáo dục.

Tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch hỗ trợ về tài chính, đất đai đối với các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này, nhất là KH và CN phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn; tập trung phát triển giáo dục các cấp ở vùng sâu, vùng đồng bào Khmer sinh sống để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng KH và CN vào sản xuất, đời sống. Còn TP Cần Thơ thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN, với việc xây dựng sàn giao dịch KH và CN, quy hoạch khu công nghệ cao tập trung gắn với xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: Thanh Tân và Dũng Phong

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-trien-ben-vung-vung-dong-bang-song-cuu-long-644018/