Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang là một hiểm họa nghiêm trọng đối với toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo những người không gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại là đối tượng đầu tiên phải chịu những thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Việt Nam là một nước nông nghiệp có tới gần 70% dân số sống ở các vùng nông thôn và sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới cho thấy vai trò rất lớn của nông nghiệp, nhưng lĩnh vực này lại đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất biến đổi khí hậu. Vựa lúa lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long lại là vùng đất thấp, trong tương lai sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng cao và chu trình thủy văn thay đổi. Nhiều diện tích đất có thể bị nhấn chìm hoặc nhiễm mặn sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Những tổn thất nặng nề trong nông nghiệp đang gia tăng còn do hạn hán dưới tác động của hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu. Khi có El Nino, thời tiết có thể sẽ ấm hơn, tuy nhiên nó đặc biệt nguy hiểm là gây hạn hán liên tục và kéo dài, làm giảm đến 20 – 25% lượng mưa trên phạm vi rất rộng. Trong năm 2009-2010, hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra đã khiến mực nước tại sông Hồng và sông Cửu Long xuống mức thấp nhất trong lịch sử 100 năm qua.

Các yếu tố khí hậu biến đổi cũng gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và đánh bắt thủy sản. Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động đến các hệ sinh thái biển, làm giảm nguồn lợi hải sản ven bờ.

Xác định ứng phó BĐKH không phải công việc trong một sớm một chiều, Chính phủ đã lồng ghép nội dung này xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020. Sắp tới, đây cũng chính là một ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2025 của Việt Nam, góp phần cụ thể hóa mục tiêu thứ 13 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, từ đầu thập kỷ 90, Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về khí hậu, khởi đầu tiến trình hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức khá đồng bộ nhằm ứng phó với BĐKH.

Các vấn đề ứng phó BĐKH đã được luật hóa bằng nhiều văn bản luật cụ thể: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn. Luật Bảo vệ môi trường đã đề ra quy định lồng ghép sâu rộng các yêu cầu về ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Để có cơ sở thực hiện, Việt Nam đã xây dựng và liên tục cập nhật các kịch bản về tác động của BĐKH và nước biển dâng, mức độ chi tiết đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các đảo, quần đảo. Tùy theo chức năng nhiệm vụ, các Bộ ngành đã xây dựng Kế hoạch Hành động ứng phó với BĐKH nhằm cụ thể hóa các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.

Đặc biệt, Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã được thành lập để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai ứng phó BĐKH ở Việt Nam. Ngoài Bộ TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước về BĐKH, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đều đã có cơ quan, đơn vị chuyên trách về BĐKH. Các chủ trương, chính sách về BĐKH đã được Chính phủ ban hành đồng bộ, có hệ thống, là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Hoàng Linh (T/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/phat-trien-ben-vung-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/