Phát triển bền vững - 'từ khóa' quan trọng của doanh nghiệp FDI

Huy động nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp FDI cho phát triển nhanh và bền vững là chìa khóa để Việt Nam mở cánh cửa xanh. Phát triển bền vững cũng là cách các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.

Hướng tới FDI “xanh”

Riêng năm 2018, tổng số vốn các dự án FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 35,46 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện đạt khoảng 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.

Dù ấn tượng với những thành quả kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây, song theo bà Doris Leuthard, Ủy viên Hội đồng LB Thụy Sỹ, Việt Nam đã phải đánh đổi để có được tốc độ tăng trưởng này khi phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường. "Vì vậy, tăng trưởng xanh cần là một chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam", bà Doris nhấn mạnh.

Với nhiều kinh nghiệm và sáng kiến thiết thực, doanh nghiệp FDI giữ vai trò khởi xướng, dẫn dắt cho sự phát triển của xu hướng xây dựng nền kinh tế xanh

Với nhiều kinh nghiệm và sáng kiến thiết thực, doanh nghiệp FDI giữ vai trò khởi xướng, dẫn dắt cho sự phát triển của xu hướng xây dựng nền kinh tế xanh

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có 3 mục tiêu chính, đó là: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, Chính phủ Việt Nam triển khai, ban hành một số chính sách quan trọng như hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, nhưng Chính phủ mới chỉ đáp ứng được 1/3 con số này.

Vì vậy, nhu cầu hút vốn từ khu vực tư nhân vào tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển là bền vững là rất lớn. Trong đó, việc thúc đẩy thu hút khu vực có vốn FDI vào những lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết.

FDI chung tay vì phát triển bền vững

Phát triển bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn đang được ưu tiên trên toàn cầu, từ những quốc gia đang phát triển đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Huy động nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp FDI cho phát triển nhanh và bền vững chính là chìa khóa để Việt Nam mở cánh cửa xanh. Phát triển bền vững cũng là cách các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và là một phần quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Với triết lý kinh doanh đóng góp cho phát triển con người và xã hội, Coca-Cola đã trở thành đối tác tin cậy cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững tại Việt Nam. Coca-Cola đã tiên phong trong ngành hàng giải khát bằng tuyên bố về một mục tiêu táo bạo và đầy tham vọng: Đến năm 2030, mỗi một chai/ lon sản phẩm bán ra sẽ được Coca-Cola thu gom trở lại và tái chế thông qua chiến lược: Thiết kế, Thu gom và Hợp tác.

Coca-Cola thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tiếp cận tới hệ thống nước sạch và giúp đỡ các doanh nghiệp địa phương phát triển năng lực để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song đó, là các hoạt động trao quyền kinh tế cho phụ nữ và những dự án khởi nghiệp thành công, Coca-Cola thể hiện niềm tin vào việc tạo nên giá trị chung để đạt được sự tăng trưởng bền vững.

Coca-Cola Việt Nam đã có những hoạt động tích cực hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), phối hợp cùng với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) để giới thiệu dự án “Hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Các phiên thảo luận có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả từ chính phủ, khu vực tư nhân cùng các giám đốc cấp cao của nhiều DN, trong đó có Coca-Cola.

Không dừng lại ở đó, Coca-Cola tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp FDI chung tay bảo vệ môi trường. Coca-Cola là một trong 9 công ty tiên phong tham gia vào Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam, nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc thu gom và tái chế bao bì sản phẩm một cách bền vững.

Với tư cách là một thành viên của liên minh PRO Vietnam, Coca-Cola sẽ cùng các doanh nghiệp Việt Nam hành động để “vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế”.

Có thể nói, hành động chung tay của các doanh nghiệp FDI sẽ giúp cho thu hút FDI của Việt Nam có quyền kỳ vọng tiếp tục lập được những kỷ lục mới và có tính lâu dài đóng góp chung cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Ngọc Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/phat-trien-ben-vung-tu-khoa-quan-trong-cua-doanh-nghiep-fdi-549355.html