Phát triển bền vững nghề khai thác, chế biến hải sản

Sau hai năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng do chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản của nước ta vào EU chỉ đạt gần 390 triệu USD (giảm 6,5%) và tám tháng đầu năm nay chỉ đạt 251 triệu USD. Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, đến nay EU đã tụt xuống vị trí thứ năm và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín sản phẩm thủy sản nước ta trên thị trường thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng khai thác, đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tháng 11-2017, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản. Ðây là khung pháp lý cao nhất để quản lý ngành thủy sản một cách đồng bộ, hiệu quả hơn phù hợp với định hướng phát triển cũng như xu thế hội nhập hiện nay. Luật Thủy sản năm 2017 đã bảo đảm tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC. Các địa phương đã triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ủy ban Hải sản Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP (VMPC) và các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu hải sản Việt Nam đã ra mắt Ban điều hành IUU và thông qua kế hoạch hành động của chương trình. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình, đã có 62 doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU bằng việc tuân thủ nguyên tắc chỉ thu mua hải sản từ những tàu đánh bắt có đầy đủ giấy phép, nhật ký khai thác và chứng nhận của cảng cá. VASEP phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các bộ, ngành liên quan và tổ chức quốc tế trong việc truyền thông, tập huấn về IUU cho doanh nghiệp, ngư dân, đặc biệt là duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với EC, báo cáo và chia sẻ thông tin về sự nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động chống khai thác IUU...

Nhìn chung, những hành động quyết liệt, đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong hai năm qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, bước đầu được EC ghi nhận. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật Thủy sản cũng như các văn bản quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm trước mắt là gỡ thẻ vàng của EC, lấy lại thẻ xanh cho hải sản Việt Nam, còn về lâu dài là bảo đảm phát triển nghề khai thác, chế biến hải sản một cách bền vững. Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các doanh nghiệp, đông đảo ngư dân đều hiểu và nhận thức đầy đủ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khai thác hải sản một cách hợp pháp, đúng quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

TÂM THỜI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41830902-phat-trien-ben-vung-nghe-khai-thac-che-bien-hai-san.html