Phát triển bền vững ngành nuôi, chế biến cá tra (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Cơ hội vàng cho cá tra phát triển -Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2017 diện tích nuôi cá tra đạt hơn 5.350 ha, cho sản lượng gần 1,2 triệu tấn. Do nhu cầu tiêu thụ cá tra của các nước nhập khẩu đang tăng cho nên giá cá tăng nhanh từ 22.500 lên 23.500 đồng/kg, cao nhất từ đầu năm đến nay, vì vậy dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay ước đạt hơn 1,7 tỷ USD.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: NGUYỄN BẢO

Nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp còn nhiều việc phải làm để đưa cá tra trở lại là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Bài 1: Thăng trầm của cá tra Việt Nam

Quy hoạch lại vùng sản xuất

Con cá tra thích hợp cho các vùng ven sông, nguồn nước sạch, ngọt, thế nhưng, với phương cách "thấy người ăn khoai, vác mai đi đào", hàng loạt địa phương đã vội vàng bắt tay vào phát triển nghề nuôi. Từ đầu nguồn sông Cửu Long là An Giang, Ðồng Tháp, đến Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và cả Bến Tre cũng phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu.

Việc mở rộng vùng nuôi liên tục trong khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cùng những rào cản về kỹ thuật, cách thức làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp… đã khiến nhiều chuyến hàng cá tra xuất khẩu bị trả về, sự thoái trào của con cá tra là điều tất yếu. Ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam chia sẻ: "Phải giải quyết dứt điểm tình trạng các địa phương ồ ạt nuôi cá tra. Mỗi địa phương có lợi thế thổ nhưỡng riêng, hà cớ gì cứ phải bắt chước nhau để rồi cùng "chết". Một mặt phải siết lại quy hoạch vùng, mặt khác phải chấp nhận quy luật đào thải, mới mong con cá tra phát triển".

Theo ông Khánh, quy luật đào thải là đào thải từ những người nuôi nhỏ lẻ, phải liên kết lại thành các hợp tác xã (HTX) với vùng nuôi theo đúng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đào thải những doanh nghiệp gian dối, cạnh tranh không lành mạnh; đào thải những địa phương dẫu không có những điều kiện tối ưu nhưng vẫn cố bám theo con cá tra bằng mọi giá.

Không những thế, theo đánh giá của ngành chuyên môn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác động của biến đổi khí hậu với đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua và giai đoạn tiếp theo là nghiêm trọng, khi hạn mặn xâm nhập sâu vào đất liền ngay tại hai con sông chính để nuôi cá tra là sông Tiền và sông Hậu (từ 45 đến 56 km), các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, nhiều vùng nuôi cá tra sẽ bị nhiễm mặn khiến con cá giảm chất lượng như chậm lớn, bị xuất huyết, nổ mắt, phù đầu… Bên cạnh đó, tại các tỉnh thượng nguồn, chất lượng nguồn nước trên các kênh rạch ngày càng ô nhiễm (do nước lũ về ít, không đủ mạnh để cuốn trôi các chất thải ao nuôi cá tra), làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Do vậy, việc định hướng, sắp xếp lại vùng nuôi thật sự đang là yêu cầu cấp bách.

Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Vĩnh Long Phạm Thị Thu Hồng cho biết: "Vĩnh Long xác định cá tra vẫn là mặt hàng chủ lực và tỉnh đang tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản, mà chủ yếu là nghề nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra. Kế hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh sẽ đạt 750 ha, sản lượng 750 nghìn tấn. Ðể phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức các hộ nuôi nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác sản xuất và sẽ tiến tới nâng lên thành HTX kiểu mới vào năm 2020. Hình thành chuỗi liên kết giữa các nhà máy chế biến với các cơ sở nuôi theo nhu cầu của thị trường xuất khẩu, thông qua việc cân đối cung cầu; trong đó, các doanh nghiệp chế biến làm trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị. Bảo đảm công suất chế biến tiêu thụ 100% nguyên liệu cá tra trong tỉnh thông qua các hình thức ký hợp đồng thu mua hoặc đầu tư thức ăn, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các cơ sở nuôi".

Ông Nguyễn Thanh Liêm, một hội viên HTX nuôi cá tra huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: "Người nuôi cá tra sẽ có nhiều ưu đãi hơn khi tham gia liên kết sản xuất, thành lập HTX. Thành viên trong HTX liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất như: HTX đứng ra ký hợp đồng mua thức ăn về phân phối cho xã viên với giá thấp hơn giá đại lý. Các thành viên góp vốn xoay vòng để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; trao đổi thông tin cũng như chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, quản lý môi trường và điều trị bệnh… Từ đó giúp cho các thành viên HTX giảm được chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, đồng thời nâng cao tính cộng đồng trong tập thể người nuôi, củng cố mối quan hệ liên kết sản xuất. Khi bắt đầu sản xuất, thả nuôi thì HTX ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ với công ty thức ăn và nhà máy chế biến để bao tiêu sản phẩm, cho nên giá cả ổn định hơn".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng: "Thời cơ để tái cơ cấu việc nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam đã đến. Hiện, vùng nuôi đa phần đã không còn ở hộ cá nhân nhỏ lẻ là điều kiện cần và đủ để chúng ta định hướng phát triển bền vững cá tra. Như tỉnh An Giang, phần lớn diện tích nuôi cá tra hiện nay của doanh nghiệp là chính, chiếm 89% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh". Còn Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Như Văn Cấn thì đánh giá, hiện, toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, trong đó ao nuôi thuộc sở hữu của doanh nghiệp chiếm 51,95%, tương đương khoảng 2.600 ha và có 32 ao thuộc sở hữu của các HTX, tổ hợp tác. Mặt khác, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp cá tra lớn chiếm tỷ trọng 80% toàn ngành và nắm giữ 70% sản lượng tiêu thụ. Chính điều đó là thời cơ vàng để chúng ta tái cơ cấu vùng nuôi về diện tích, sản lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ðịnh hướng chiến lược thị trường

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cùng với việc ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các thị trường xuất khẩu ngày càng gặp nhiều khó khăn do các nước nhập khẩu quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm sản phẩm, thị phần xuất khẩu thu hẹp, buộc chúng ta phải thay đổi về tư duy chất lượng, tư duy xuất khẩu.

Những phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh; Ðạo luật Farm Bill 2014 có nhiều quy định khó cho cá tra Việt Nam, đặc biệt là việc kiểm soát cá tra nhập khẩu của Mỹ từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm sang Cục Quản lý An toàn thực phẩm đã đặt ra nhiều tiêu chí khó về yêu cầu vùng nuôi cá tra Việt Nam, phải đạt tiêu chuẩn tương đồng các vùng nuôi cá da trơn tại Mỹ đang áp dụng. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường EU thời gian qua sụt giảm sản lượng nhập khẩu cá tra của chúng ta và nhiều vấn đề khác cũng đã cản trở sự phát triển mặt hàng này vào các quốc gia Liên hiệp châu Âu. Tất cả đang là thách thức lớn để chúng ta có cái nhìn tổng thể về thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, dựa trên tình hình sản xuất thực tế và dự báo từ nhiều phía, một kế hoạch sản xuất tăng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu con cá tra Việt Nam thời gian tới rất khả quan. Với nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc, khi những dấu hiệu tốt từ các nhà nhập khẩu cho thấy thị trường này năm tới sẽ có thể vượt Mỹ, trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất từ Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự tự đào thải thời gian qua, hiện cả nước có 20 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến cá tra xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành và tiêu thụ hơn 70% tổng sản lượng cá nguyên liệu thì việc kiểm soát và định hướng chiến lược phát triển ngành cá tra Việt Nam hoàn toàn trong tầm tay các ngành chức năng, địa phương.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Ðình Hòe khẳng định, hiện nay ngành cá tra về cơ bản là ổn định, bởi khả năng đáp ứng cũng như mức độ chủ động về nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp có xu hướng tăng dần. Theo đó, doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại vốn, sản xuất và kế hoạch của mình". Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nam Việt - An Giang Doãn Tới cho rằng: "Trong quá trình tiêu thụ hiện nay, mặt hàng cá tra của Việt Nam rất thuận lợi trên thế giới do chất lượng sản phẩm và giá bán. Muốn thị trường lớn mạnh, cần bảo đảm yếu tố ban đầu là chất lượng con giống".

Ðịnh hướng cho việc phát triển bền vững con cá tra của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần hợp tác chặt chẽ để cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi trong chuỗi giá trị và cùng Nhà nước xây dựng thương hiệu cho cá tra của Việt Nam. Khi có thương hiệu, doanh nghiệp mới chủ động được thị trường và không bị chi phối bởi giá cả. Phía người nuôi cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc HTX, hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Theo các dự báo, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng đều trong những năm tiếp theo với mức khoảng 10%, đạt hơn 1,7 tỷ USD ngay trong năm 2017 này. Do đó, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường lớn, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển và trụ vững ở tất cả các thị trường hiện có; tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân - một thị trường giàu tiềm năng; các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án để thâm nhập thị thường, đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến,... Làm được điều này thì các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra không còn phải lo đến vấn đề "đầu ra" cho sản phẩm. Ðiều cốt lõi là doanh nghiệp phải thật sự có quyết tâm.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-2.

BẢO TRỊ, QUỐC DŨNG, NHỰT TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32068202-phat-trien-ben-vung-nganh-nuoi-che-bien-ca-tra.html