Phát triển bền vững là tương lai của thế giới, doanh nghiệp không thể thờ ơ

Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất một luật mới về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty ở các nước đối tác với EU như Việt Nam.

Doanh nghiệp phát triển bền vững trước hết cần chú trọng đến chăm sóc nhân lực và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp phát triển bền vững trước hết cần chú trọng đến chăm sóc nhân lực và bảo vệ môi trường.

Ngày 19/8, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với ProNGO tổ chức Hội thảo “Chiến lược CSR (Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp) / CSV (Tạo giá trị chung) của Doanh nghiệp và mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs)”, thuộc Dự án Win-Win for Viet Nam.

Mục tiêu tổng quát của Dự án Win-Win for Vietnam là thúc đẩy hoạt động CSR và CSV của khu vực tư nhân, đặc biệt là tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội (CSOs) nhằm hiện thực hóa SDGs thông qua CSVhub - nền tảng kết nối doanh nghiệp Việt và với các tổ chức xã hội trong các hoạt động xã hội gắn với thực hành phát triển bền vững. Dự án do EU đồng tài trợ và do RED chủ trì, phối hợp với ProNGO (Đức).

Phát biểu tại hội thảo, bà Pia Buller – đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người như là một phần trong chương trình phát triển bền vững mới.

Các quốc gia có trách nhiệm chính trong việc theo dõi và xem xét những tiến bộ đã đạt được ở quốc gia của mình. Các Chính phủ cũng được yêu cầu hành động để thu thập dữ liệu chất lượng đúng thời hạn. Vì vậy, về cơ bản Chương trình nghị sự 2030 là một khuôn khổ chung được sử dụng bởi các Chính phủ quốc gia và mở rộng ra, gồm các nhà tài trợ quốc tế như Liên minh châu Âu.

"Tương tự như vậy, theo yêu cầu, Chính phủ Việt Nam có các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và báo cáo thường xuyên về tiến độ. Chính phủ cũng tổ chức các cuộc tham vấn các bên liên quan mà tôi đã tham gia", bà Pia Buller cho biết.

Liên quan đến phát triển bền vững trong doanh nghiệp, bà Pia Buller đánh giá, việc kinh doanh có trách nhiệm và đặc biệt là sự tham gia tích cực trong chuỗi cung ứng đã được chú ý rộng rãi trong vài năm qua. Điều này sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai.

Theo bà Pia Buller, một nghiên cứu cho thấy, trong các lý do chính để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu thực hiện các hoạt động CSR thì động cơ đạo đức xếp thứ nhất với 68,5%. Đó là ý thức giảm tác động tiêu cực đến xã hội, môi trường. Các động cơ tiếp theo là kỳ vọng của người mua (55,3%), nhu cầu của khách hàng (53,2%); thu hút và giữ chân của nhân viên (50%); đáp ứng các yêu cầu do luật định.

Đáng chú ý, bà Pia Buller cho biết Liên minh châu Âu đang đề xuất một luật mới về sự bền vững của doanh nghiệp. Lý do chính cho điều này là cam kết của EU đối với các SDG cũng như lời kêu gọi mạnh mẽ từ các bên liên quan. Nếu luật có hiệu lực sẽ mở rộng kiểm tra trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty ở các nước đối tác như Việt Nam.

Các doanh nghiệp phải xác định, ngăn chặn, chấm dứt, giảm thiểu và giải trình các tác động bất lợi đến nhân quyền, môi trường trong hoạt động của chính công ty, các công ty con và chuỗi giá trị của công ty. Nhiệm vụ này phần lớn phù hợp với các bước của tiêu chuẩn thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và nhân quyền. Bà Pia Buller

Theo đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, luật sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp từ các nước thứ ba như Việt Nam, nếu công ty có doanh thu ròng hơn 150 triệu Euro được tạo ra tại các nước EU, hoặc hoạt động trong lĩnh vực có tác động lớn với doanh thu từ 40 triệu đến 150 triệu Euro được tạo ra tại các nước EU. Các lĩnh vực được xác định có tác động cao là may mặc và giày dép, nông nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, nhưng có thể bị ảnh hưởng như một phần của chuỗi giá trị của các công ty lớn hơn. Tương tự như vậy, các công ty Việt Nam không hoạt động tại EU không trực tiếp chịu các nghĩa vụ này. Tuy nhiên có thể bị ảnh hưởng gián tiếp nếu là một phần của chuỗi giá trị các công ty lớn.

Trong khi đó, ông Lothar Rieth – Phó Chủ tịch ProNGO, Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn năng lượng EnBW (Đức) nhận định, phát triển bền vững sẽ là tương lai của thế giới. Bởi sau các sự kiện đã diễn ra, các nước đều nhận thấy, việc bảo vệ con người, môi trường là điều kiện tiên quyết duy trì sự phát triển bền vững.

Ông Lothar Rieth lấy 2 ví dụ điển hình nhất. Một là sự kiện sập tòa nhà Rana Plaza tại Quận Dhaka, Bangladesh năm 2013. Sự kiện này đã dẫn đến làn sóng bất bình về điều kiện làm việc và chính sách dành cho giới công nhân tại đây. Một số hãng thời trang lớn đã bắt đầu có những thay đổi được xem như là bước ngoặt để “cải cách” môi trường làm việc, đem lại lợi ích cho người lao động.

Hai là đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã thay đổi góc nhìn của doanh nghiệp toàn cầu về khái niệm phát triển bền vững. Như hãng Nike có đến 50% sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Khi các nhà máy phải ngừng sản xuất đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Nhận thấy vai trò to lớn của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp để chuỗi này bền vững nhất.

Ông Lothar Rieth – Phó Chủ tịch ProNGO.

Ông Lothar Rieth cũng chia sẻ thêm, tháng 8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) được ký kết là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn tiếp cận thì phải hiểu được khách hàng của mình nên không thể không quan tâm đến phát triển bền vững, nhất là khi tới đây tiêu chí này sẽ được luật hóa.

Ngoài khuôn khổ chung, ông Lothar Rieth cho biết mỗi quốc gia cũng sẽ có luật định riêng về phát triển bền vững. Như tại Đức, luật về chuỗi cung ứng bền vững sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2022. Các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường sang Đức hoặc có hợp tác với các doanh nghiệp tại Đức thì cần chú ý đến sự kiện này.

Hiện nay, trên thế giới có 3 khái niệm phổ biến: Trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), Tạo giá trị chung (Creating Shared Values – CSV), và Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (Environmental, Social and Corporate Governance – ESG).

Không những vậy, “Sự bền vững” (Sustainability) là một từ khóa ngày càng được nhắc tới nhiều hơn trong những cuộc thảo luận tại các chương trình nghị sự quốc tế, Chính phủ và phương hướng phát triển của doanh nghiệp. Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu thành kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình 2030 quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay với các hiệp định thương mại tự do song – đa phương cũng như phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19 và khủng hoảng năng lượng, SDGs và ESG đã, đang và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo và trở thành các yêu cầu tích hợp dành cho các Chiến lược phát triển Doanh nghiệp nói chung và Chiến lược CSR / CSV nói riêng.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-ben-vung-la-tuong-lai-cua-the-gioi-doanh-nghiep-khong-the-tho-o-post10192.html