Phát triển bền vững khu vực kinh tế phi chính thức

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với khâu đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Trong quá trình đó, cùng với khu vực kinh tế chính thức, tồn tại một cách tất yếu khu vực kinh tế phi chính thức, chịu sự tác động của các quy luật và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển.

Sản xuất đồ gỗ tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Phù Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Sản xuất đồ gỗ tại Làng nghề gỗ mỹ nghệ Phù Khê, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với khâu đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Trong quá trình đó, cùng với khu vực kinh tế chính thức, tồn tại một cách tất yếu khu vực kinh tế phi chính thức, chịu sự tác động của các quy luật và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển.

Bước "cởi trói" tư duy

Mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng XHCN là góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện, đổi mới tư duy kinh tế, nắm vững quy luật khách quan. Rõ nét nhất là đổi mới nhận thức, tư duy kinh tế trong 35 năm qua; trong đó, tư duy kinh tế về bản chất kinh tế thị trường và những nội hàm của tính định hướng XHCN được xác định ngày càng cụ thể trong các kỳ Ðại hội Ðảng, trở thành tư duy lý luận có sức sáng tạo. Có thể nói, bước chuyển đổi mới tư duy này thật sự là khâu đột phá trong nhận thức lý luận kinh tế, cởi trói tư duy và tạo động lực cho công cuộc đổi mới thực hiện thuận lợi, có hiệu quả. Từ tư duy quản lý theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, sang tư duy quản lý theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của con người. Từ tư duy đảng viên không làm kinh tế tư nhân sang đảng viên được làm kinh tế tư nhân theo quy định; tư duy kinh tế "khép kín" sang tư duy mở, chủ động hội nhập quốc tế, chấp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Từ "Nhà nước làm thay thị trường" sang tư duy Nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò kiến tạo phát triển, khắc phục các hạn chế của thị trường, đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, phân bổ các nguồn lực theo tín hiệu của thị trường, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa theo cơ chế thị trường,... Những đặc trưng đổi mới tư duy kinh tế nêu trên là nền tảng nhận thức lý luận của tư duy đổi mới hiện nay trên các lĩnh khác về chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại,… Không nắm bắt, giải mã được những tín hiệu đặc trưng tư duy kinh tế mới đó thì không thể có tư duy lý luận đổi mới đúng đắn, sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tồn tại khái niệm về khu vực kinh tế phi chính thức và lao động phi chính thức. Hai khái niệm "Khu vực kinh tế chính thức" và "Khu vực kinh tế phi chính thức" chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Các thành tố này đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế ở tất cả các nước trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển. Khu vực kinh tế phi chính thức là tập hợp các đơn vị sản xuất sản phẩm, vật chất và dịch vụ, thường có tổ chức quy mô nhỏ, quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động không thường xuyên, họ hàng hoặc có tính cá nhân hơn là những quan hệ lao động qua hợp đồng với những bảo đảm chính thức về quyền lợi, trách nhiệm lao động. Ðặc điểm các đơn vị sản xuất của khu vực kinh tế phi chính thức thường là những cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, doanh nghiệp hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Thực tế hiện nay có những hộ gia đình hoạt động như một doanh nghiệp và đã có các hợp đồng được ký, họ hoàn toàn có thể trở thành một doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các quy định có liên quan đến thành lập doanh nghiệp phải thay đổi quyền lợi, trách nhiệm,… ở đây mặc dù không có tư cách pháp nhân nhưng họ vẫn ký hợp đồng, vì pháp luật không cấm.

Ưu tiên cơ chế, thúc đẩy kinh tế phi chính thức

Khu vực kinh tế phi chính thức là kết quả của quá trình đổi mới, hay nói cách khác nhờ có đổi mới kinh tế mới có được đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân và các khu vực kinh tế phi chính thức như hôm nay. Khu vực này cần được nhìn nhận mặt tích cực và thấy được những hạn chế của nó để tập trung giải quyết. Tích cực ở chỗ từ đổi mới tư duy kinh tế đã thúc đẩy dịch vụ phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế mà pháp luật không cấm, đây là khu vực tạo được việc làm rất lớn, giải quyết được những vấn đề mà khu vực chính thức không làm. Hạn chế ở chỗ chưa được bao phủ hết chính sách bảo đảm an sinh cho người lao động và cơ chế, giải pháp quản lý, ngay cả việc định vị khu vực này dường như vẫn còn có thành kiến.

Việc nghiên cứu lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức hiện nay tập trung theo cách tiếp cận bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, quyền lợi của người lao động. Người lao động trong khu vực này ít hoặc không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội cơ bản như bảo hiểm và hợp đồng lao động do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, quan điểm, mục tiêu của Ðảng ta hiện nay là phấn đấu bao phủ bảo hiểm toàn dân, vì vậy yếu tố này về cơ bản sẽ được giải quyết. Bản chất của lao động phi chính thức sẽ dần thay đổi, việc đánh giá theo quan điểm mới cần được xem xét (theo quan điểm lao động không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm sẽ không còn là vấn đề định vị vị trí của người lao động,…). Yếu tố hợp đồng lao động, hiện nay trong xu thế phát triển mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó lao động phi chính thức có thể chuyển đổi thành chính thức khi ứng dụng công nghệ mới, chuỗi giá trị toàn cầu (đơn cử như sự chuyển đổi xe ta-xi truyền thống sang xe công nghệ, xe ôm truyền thống sang xe ôm công nghệ, chuỗi cửa hàng theo thương quyền và ứng dụng phần mềm quản trị,…). Thực tiễn này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có sự đổi mới trong tư duy quản lý, quản trị. Khi nghiên cứu bản chất của khu vực kinh tế phi chính thức, chính là giải quyết các vấn đề xã hội với các chính sách kinh tế phù hợp. Việc nghiên cứu lao động trong khu vực phi chính thức cũng góp phần thấy rõ bản chất mất việc làm, thất nghiệp ở nước ta hiện nay khác với các nước trên thế giới, liên quan đến sở hữu tư liệu sản xuất. Lao động ở Việt Nam vẫn làm chủ tư liệu sản xuất, có thể mất việc nhưng không mất nghiệp, mất nghề, khi cần thiết họ chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt vì vẫn làm chủ tư liệu sản xuất của mình. Ðiều này khác hẳn tình trạng thất nghiệp và mất việc của các nước trên thế giới, khi mất việc sẽ không còn cơ hội chuyển đổi sang lĩnh vực khác vì không còn tư liệu sản xuất. Theo kết quả nghiên cứu của một số cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức quốc tế thời gian qua cho thấy, trong khu vực kinh tế chính thức có lao động phi chính thức và lao động chính thức có cả việc làm trong khu vực phi chính thức. Ðây là kết quả cần được lưu tâm khi xem xét các quan điểm, tư duy trong phát triển kinh tế của nước ta, phù hợp quan điểm một người có thể có nhiều việc làm mà pháp luật không cấm; đảng viên làm kinh tế tư nhân; cam kết mở cửa dịch vụ, xã hội hóa dịch vụ công,…

Hiện nay, nước ta đã tham gia và thực hiện nhiều công ước, cam kết quốc tế, với độ mở của nền kinh tế lớn, phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Tư duy, định vị đúng, thấy rõ bản chất, phân tích phù hợp, có quan điểm, cách tiếp cận về chính sách cho các khu vực kinh tế, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, lao động phi chính thức sẽ thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trong tương lai.

TS TRIỆU TÀI VINH
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/phat-trien-ben-vung-khu-vuc-kinh-te-phi-chinh-thuc-648856/