Phát triển bền vững cây hồ tiêu

Từ năm 2010 đến 2016, do giá hồ tiêu tăng kỷ lục, có lúc lên đến 250 nghìn đồng/kg, nhiều người dân tập trung mở rộng diện tích trồng ồ ạt khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng nhanh, một số địa phương phát triển 'nóng' dẫn đến vượt quy hoạch.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, giá hồ tiêu liên tục lao dốc, hiện nay dao động từ 45.000 đến 46.000 đồng/kg cho nên người trồng hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh, hệ quả là năng suất, chất lượng kém, hiệu quả thấp. Với giá bán này, những hộ trồng hồ tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.

Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến 105 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 758,8 triệu USD vào năm 2018. Thời điểm này, ngành hồ tiêu đang gặp nhiều khó khăn do hệ lụy phát triển quá “nóng” và tăng quá nhanh về diện tích. Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến giá hồ tiêu giảm nhanh trong thời gian qua là do nguồn cung trên thế giới đang vượt quá cầu, lượng dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới đang tăng. Trong giai đoạn 2012 - 2017, mức tăng sản xuất hồ tiêu là 5,5% nhưng mức tăng cầu chỉ đạt 2,4%/năm khiến giá hồ tiêu giảm nhanh.

Trong giai đoạn 2014 - 2016, giá hồ tiêu trong nước có lúc lên đến 240 triệu đồng/tấn, cho thu lãi gấp năm lần so với chi phí sản xuất. Chính vì vậy, diện tích hồ tiêu đã tăng nhanh, từ hơn 51 nghìn ha vào năm 2010 lên gần 152 nghìn ha trong năm 2017, tăng hơn 100 nghìn ha. Đến nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước giảm còn 140 nghìn ha. Nhiều nơi, người dân còn trồng hồ tiêu ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tăng cao.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn nhiều hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được quan tâm thực hiện; sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng từ năm 2018 đến 2025 là nên ổn định diện tích hồ tiêu từ 100 đến 120 nghìn ha; diện tích cho sản phẩm 95 nghìn ha với sản lượng từ 237 đến 257 nghìn tấn. Để phát triển bền vững cây hồ tiêu, các địa phương cần có sự chỉ đạo quyết liệt không mở rộng diện tích loại cây này. Đối với những diện tích hồ tiêu bị bệnh thì không trồng lại mà nên chuyển đổi sang cây trồng khác.

Các tỉnh cần khuyến khích, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bảo vệ, bảo quản hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu; đa dạng hóa các sản phẩm hồ tiêu như tiêu đỏ, tiêu xay có giá trị gia tăng cao.

NGUYÊN PHÚC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41454202-phat-trien-ben-vung-cay-ho-tieu.html