Phát triển bền vững cây cao su vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng chuyên canh cao su lớn thứ hai của cả nước sau miền Đông Nam Bộ. Sản xuất cao su tạo việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm nghìn lao động, mang lại sự đổi thay cho nông thôn Tây Nguyên. Tuy nhiên, để vùng chuyên canh ngày càng phát huy hiệu quả, các địa phương cần hướng đến sự phát triển bền vững...

Hình thành vùng chuyên canh

Trao đổi với chúng tôi về quá trình hình thành vùng chuyên canh cao su, TS Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: "Theo thống kê, hiện toàn vùng có 256.283ha cao su, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 140.000ha, năng suất bình quân 1,42 tấn/ha, sản lượng mủ đạt hơn 200.000 tấn/năm, chiếm 27% diện tích và 20% sản lượng cao su cả nước. Diện tích cao su quốc doanh chiếm 48%, cao su nông hộ 31,8% và cao su doanh nghiệp tư nhân chiếm 20,2%. Gia Lai là tỉnh dẫn đầu về diện tích với 100.429ha, kế đến là Kon Tum có 74.718ha, Đắc Lắc 38.493ha, Đắc Nông 29.643ha và Lâm Đồng 13.000ha. Diện tích cao su vùng Tây Nguyên tăng nhanh trong giai đoạn 2006-2013. Giai đoạn này, mủ cao su có giá khá cao, đỉnh điểm vượt mốc 45 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng đồng loạt triển khai 220 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng 73.131ha cao su...".

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, cây cao su có thời gian kiến thiết cơ bản 6 năm, chi phí đầu tư cho cả chu kỳ này khoảng 60 triệu đồng/ha. Với giá mủ cao su trong thời điểm hiện nay dưới 30 triệu đồng/tấn thì trừ chi phí, mỗi héc-ta cao su, chủ vườn thu lãi ròng dưới 10 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nông hộ đang tìm hướng chuyển đổi cao su sang cây trồng khác. Một trở ngại nữa là chất lượng cao su nguyên liệu vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, nhất là từ nguồn cao su tiểu điền do nông hộ quản lý. Điều này dẫn tới tính cạnh tranh về chất lượng của cao su Tây Nguyên kém hơn so với một số nước, như: Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Mặt khác, do phát triển ồ ạt trong giai đoạn 2006-2013 nên hiện có hàng chục nghìn héc-ta cao su ở Tây Nguyên trồng trên vùng đất không phù hợp, không bảo đảm điều kiện thổ nhưỡng, như: Trồng ở độ cao hơn 700m so với mực nước biển, độ dốc hơn 30 độ, tầng canh tác thấp hơn 70cm... dẫn đến cây còi cọc, không cho thu hoạch.

Hướng đến phát triển bền vững

Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, đưa cây cao su phát triển bền vững, những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng quy hoạch một cách chi tiết, khoa học trên cơ sở phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu của địa phương và bảo đảm cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: "Trước thực trạng giá mủ cao su không đạt như kỳ vọng và có những biến động, chi cục tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các địa phương kiên trì mục tiêu phát triển cao su bền vững nhằm nâng cao chất lượng, giá trị; diện tích cao su ngoài quy hoạch, trồng trên đất không phù hợp thì chuyển đổi sang cây trồng khác. Mới đây, qua đánh giá 44 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, đất lâm nghiệp sang trồng hơn 25.000ha cao su, phát hiện 12.000ha cây bị chết hoặc kém phát triển, tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây khác".

Theo phân tích của TS Trương Hồng, hiện nay tuy giá mủ cao su đang ở mức thấp, nhưng thị trường cao su thiên nhiên có triển vọng phát triển lâu dài do nhu cầu của thế giới được dự báo tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, do nguồn gỗ rừng tự nhiên cạn kiệt, nên nhu cầu sử dụng gỗ cao su cũng tăng mạnh. Hiện nay, giá khai thác gỗ cao su già cỗi ở Tây Nguyên đang ở mốc hơn 100 triệu đồng/ha đã tạo nguồn thu không nhỏ cho người sản xuất khi vườn cây hết thời kỳ kinh doanh. Ngoài ra, cao su có khả năng trồng xen với các cây trồng khác, hoặc cây rừng và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học. Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng cac-bon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Là cây trồng thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác. Các nhà máy chế biến mủ và gỗ cao su phát triển đồng hành cùng với diện tích cây cao su góp phần cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội cho vùng Tây Nguyên. Đến nay toàn vùng Tây Nguyên có 22 nhà máy sơ chế mủ, 7 doanh nghiệp chế biến gỗ cao su, đang tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động, góp phần giảm nghèo bền vững và mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn.

Có thể nói, Tây Nguyên đã hình thành vùng sản xuất cao su tập trung, tạo nguồn nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy công nghiệp chế biến sâu trong vùng và các vùng kinh tế khác. Nhằm phát triển cao su bền vững, bên cạnh sự chủ động xây dựng quy hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các tỉnh Tây Nguyên rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có chính sách phù hợp về đất đai, vốn đầu tư, bảo hiểm cây trồng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm cao su.

KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-ben-vung-cay-cao-su-vung-tay-nguyen-554922