Phát triển bền vững cây ăn quả tại các tỉnh phía Nam

Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất cây ăn quả sẽ tiếp tục được đẩy mạnh phát triển nhằm tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn nghèo, vùng còn nhiều khó khăn. Đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế- xã hội tại nhiều vùng địa phương và tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam.

Ngành rau quả liên tục xuất siêu trong nhiều năm qua. Ảnh: N.Hiền

Ngành rau quả liên tục xuất siêu trong nhiều năm qua. Ảnh: N.Hiền

Ngày 15/3, tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam.

Tỷ trọng chế biến thấp

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả của các tỉnh phía Nam trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng, tính đến nay diện tích cây ăn quả ước đạt 596.331 ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước, với tổng sản lượng đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng cả nước.

Hiện phía Nam có 14 loại trái có diện tích lớn, trên 10.000ha/loại, trong đó xoài có diện tích lớn nhất (80.000ha), chuối (78.000 ha), thanh long (53.000 ha), cam, bưởi (44.000 ha), nhãn (35.000 ha), sầu riêng (47.000 ha), dứa (33.000 ha)… Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, không tập trung nên rất khó khăn cho các đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại trái như thanh long chuối, cây có múi đang hình thành các vùng sản xuất tập trung và chuyên canh với quy mô lớn.

Hiện cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 800.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trái cây được đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, song hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.

Các sản phẩm được chế biến hiện chủ yếu gồm đồ hộp (dứa, nước trái cây…), đông lạnh (dứa, sầu riêng…), sấy chiên chân không, sấy dẻo, muối…, trong đó tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%.

Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, không đảm bảo về chất lượng, số lượng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến của các nhà máy còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...

Duy trì xuất siêu bền vững

Trong 10 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 25,8%. Giá trị nhập khẩu rau quả cũng tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 25,5%. Theo đó, cán cân xuất nhập khẩu cũng tăng nhanh qua các năm từ 200 triệu USD năm 2008 lên trên 2 tỷ USD năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân 33,6%/năm.

Mặc dù có gia tăng về nhập khẩu nhằm đa dạng nhu cầu thị trường trong nước, tuy nhiên do sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nên ngành rau quả liên tục xuất siêu trong nhiều năm qua. Cụ thể, cán cân xuất nhập khẩu rau quả luôn dương từ dưới 500 triệu USD mỗi năm (giai đoạn 2008 - 2012) lên 966 triệu USD năm 2014 và vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2015 (1,2 tỷ USD), đến năm 2018 đạt trên 2 tỷ USD.

Cùng với sự tăng trưởng về kim ngạch, các thị trường xuất khẩu rau quả lớn cũng được mở rộng. Năm 2004, có 13 thị trường xuất khẩu có giá trị trên 1 triệu USD. Đến năm 2018, có 13 thị trường xuất khẩu lớn có giá trị trên 25 triệu USD. Bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 73% thị phần), nhiều loại rau quả nước ta đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính: Mỹ (3,7%), Hàn Quốc (3,0%), Nhật Bản (2,8%), Hà Lan (1,6%); tiếp đến là Malaysia, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (đều chiếm tỷ trọng trên 1%).

Theo định hướng của ngành nông nghiệp diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn... sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Theo kế hoạch, đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 4,5 tỷ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập trên 1,5 tỷ USD.

Để đạt được kết quả đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có các chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý trái cây, như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng..., tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường.

Ngoài ra, cần hỗ trợ, miễn, giảm thuế, cước phí kho bãi, vận chuyển đối với tiêu thụ trái cây tươi; rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý sau thu hoạch, đóng gói, kiểm tra vận chuyển rau quả tươi xuất khẩu qua đường hàng không.

Nhà nước cần tiếp tục quan tâm xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hoạt động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ trái cây Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/phat-trien-ben-vung-cay-an-qua-tai-cac-tinh-phia-nam-101126.html